Monday, November 15, 2010

Mô hình vườn 3 tầng: Tăng thu nhập, cứu cây điều

Hiện quỹ đất trồng cây công nghiệp của tỉnh đang có xu hướng giảm dần. Để tăng diện tích cây trồng và tăng thu nhập cho người nông dân trên cùng một diện tích canh tác, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh vừa xây dựng thành công mô hình canh tác 3 tầng: Điều - ca cao - gừng. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lời khoảng 180 triệu đồng/ha/năm.
Ông Võ Đình Khánh, Phó phòng Khuyến nông, Trung tâm khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Việc trồng cây ca cao, gừng trong vườn điều làm tăng năng suất cây điều, tăng trung bình 0,6 tấn/ha”. Theo ông Khánh, thời kỳ điều ra bông, kết trái là mùa khô (thời điểm tháng 12 năm nay đến tháng 2 năm sau), đây là thời kỳ cây điều rất cần cung cấp nguồn dinh dưỡng. Cho dù nguồn dinh dưỡng trong lòng đất không thiếu nhưng vì là mùa khô nên không có nước để hòa tan nguồn dinh dưỡng này, dẫn tới cây điều khó hấp thụ. Khi bà con trồng xen cây ca cao trong vườn điều, mùa khô tưới nước cho ca cao, đất trong vườn điều luôn ẩm và cây gừng cũng hưởng thụ lây. Mặt khác, việc trồng theo mô hình 3 tầng sẽ điều hòa tiểu khí hậu trong vườn, giữ cho nhiệt độ ngày - đêm trong vườn ổn định, làm cho quá trình thụ phấn hoa, kết trái của điều và ca cao đạt cao.
TRỒNG XEN CA CAO ĐỂ CỨU CÂY ĐIỀU
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, việc trồng xen cây ca cao dưới tán điều trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao hơn so với trồng độc canh một loại cây và tiết kiệm được diện tích đất canh tác, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, phục vụ cho chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Nếu trồng xen ca cao vào các vườn điều sẽ rất có lợi cho người trồng. Vì cây ca cao được hưởng bóng mát của cây điều; ngược lại, cây điều sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây ca cao. Tổng thu nhập cả điều và ca cao sẽ từ 75 - 90 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với chỉ trồng chuyên canh cây điều. Ông Võ Văn Cảnh ở ấp 8, xã Đức Liễu (Bù Đăng), bằng thực tế và kinh nghiệm của chính mình, gia đình ông đã có thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm từ cây ca cao. Ông khẳng định: Nông dân ở Bình Phước hoàn toàn có thể làm giàu từ cây ca cao trồng xen dưới tán cây điều. Anh Nguyễn Khắc Thược ở ấp 2, xã Minh Hưng (Bù Đăng) cho biết: “Hiện gia đình trồng 4 ha ca cao trong vườn điều cho năng suất trung bình mỗi năm 1,8 tấn/ha. Cây ca cao trồng trong vườn điều giảm nhiều chi phí, không phải che chắn lúc cây còn nhỏ. Hơn nữa, trồng ca cao trong vườn điều tiết kiệm diện tích đất nông nghiệp. Sau khi trừ chi phí, 1 ha ca cao cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm”.
Anh Thược bên mô hình vườn 3 tầng: điều - ca cao - gừng

Đánh giá của Tổ chức Roots of Peace (Mỹ) - ROP cho rằng, Bình Phước có nhiều tiềm năng thuận lợi về đất đai, khí hậu, nhiệt độ, sức gió, đặc biệt là nguồn nước để phát triển cây ca cao trong một thời gian gần. Toàn tỉnh hiện có 1.600 ha cây ca cao, đứng thứ 2 cả nước về diện tích (sau tỉnh Bến Tre). Riêng huyện Bù Đăng có hơn 1.000 ha ca cao đang cho thu hoạch với năng suất đạt 2-3 tấn/ha, tương đương 45-60 triệu đồng/ha. Điều này cho thấy, 1 ha ca cao cho giá trị kinh tế cao hơn 1ha điều và nếu trồng xen trong điều sẽ cho tổng giá trị gấp hơn 2 lần so với chỉ trồng điều. Từ những kết quả khảo nghiệm, UBND tỉnh đã thuận chủ trương cho Tổ chức ROP triển khai dự án trồng cây ca cao trên địa bàn 3 huyện (Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập), trong thời gian 2 năm (2010 - 2012) với kinh phí 7,6 tỷ đồng. Trong đó chú trọng đến diện tích ca cao trồng xen dưới tán điều, nhằm mục đích tăng tổng giá trị thu hoạch và khuyến khích nông dân giữ vườn điều.
XEN GỪNG TRONG CA CAO
Trồng gừng xen trong vườn ca cao là phương pháp sản xuất mới đang được nhiều hộ dân quan tâm. Đây là mô hình sản xuất có nhiều ưu điểm, nhằm giúp nông dân có thêm việc làm trong lúc nông nhàn và tạo thêm thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Cách làm này cũng giúp hạn chế một số nấm bệnh nguy hại cho cây gừng và làm sạch cỏ vườn cho ca cao, điều.
Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng thành công mô hình trồng gừng trong bầu. Ông Khánh nói: “Gừng là loại cây ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng... Để tạo hỗn hợp đất cho gừng sinh trưởng phát triển tốt, tận dụng tối đa những gì sẵn có, khi làm bầu cho gừng, bà con nên trộn hỗn hợp đất trong vườn kết hợp với phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh, rác trong vườn, rồi trộn đều (mỗi bầu khoảng 10kg, dày khoảng 15cm). Sau đó, để khoảng 3 tháng trước khi trồng gừng vào bầu, nhằm giúp hỗn hợp hoai mục”. Ông Khánh cho biết thêm, bao đựng bầu phải có đường kính khoảng 50cm, chiều dài 100cm, sau đó cắt đôi và may lại một đầu thì mỗi bao sẽ làm được 2 túi bầu. Nên tách hom gừng giống bằng tay để tránh lây nhiễm bệnh thay vì bằng dao. Mỗi hom giống dài khoảng 3 - 5cm, có ít nhất là 1 mầm...
Anh Nguyễn Khắc Thược cho biết: “Trồng gừng trong bầu có nhiều lợi thế, ít chi phí lại ít bệnh, không phải che chắn. Mỗi bầu cho thu hoạch trung bình khoảng 3,5kg. Theo giá thị trường hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi bầu lãi khoảng 50-70 ngàn đồng”, 1 ha gừng lãi khoảng hơn 90 triệu đồng. Hiện trong vườn điều xen ca cao của anh Thược còn trồng 2.000 bầu gừng và đang phát triển rất tốt. Anh Thược ước tính, 1 ha điều trồng xen hai loại cây trên, sau khi trừ mọi chi phí lãi khoảng 180 triệu đồng.

No comments:

Post a Comment