Monday, November 29, 2010

"Hái ra tiền" trên từng mét vuông đất

Những "cánh đồng 50 triệu" đã trở nên bình thường ở Lâm Đồng, bởi bây giờ sản xuất trên một hécta đất nông nghiệp tại địa phương này có thể mang về tiền tỉ mỗi năm…



Tiền tỉ từ vườn hoa
Trong những năm gần đây, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Lâm Đồng.
Có thể nói, ngành hoa là một ngành NNCNC, là ngành mang lại lợi nhuận rất cao. Nếu tổ chức sản xuất tốt (dĩ nhiên theo hướng NNCNC), thật khó có cây trồng nào mà hiệu quả kinh tế lại được tính trên từng mét vuông như cây hoa.
Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Giám đốc Công ty TNHH Langbiang Farm (Đà Lạt) đưa ra dẫn chứng cụ thể: trên cây hoa lyli, mỗi năm có thể trồng được 3 vụ, bình quân 1m2 có thể trồng được 27 cây, khi thu hoạch khấu trừ các khoản đầu tư, tiền lãi bình quân đạt 1.500 đồng/cây, như vậy mỗi năm có thể lãi trên 1 tỉ đồng/ha.
Tương tự, với cây hoa cát tường, mỗi năm trồng 2,5 vụ, trên 1m2 cũng trồng 27 cây, với mức giá như năm nay sẽ lãi từ 2.000 - 3.000 đồng/cây, như vậy trên 1ha trong một năm lãi cả tỉ đồng.
Đặc biệt với cây được trồng đại trà như hoa cúc, mỗi năm trồng được 3,5 vụ, 1m2 trồng được 50 cây, tiền lời 600 đồng/cây thì mỗi năm cũng thu được tiền lãi hơn 1 tỉ đồng/ha.
Riêng hoa cúc jimba thời điểm này đang "sốt giá", bán nội địa khoảng 1.700 đồng/cành, tiền lời hơn 1.000 đồng/cành, như vậy 1ha lãi cả 1,5 tỉ đồng/năm…
Cũng từ NNCNC mà các đối tượng cá nước lạnh (cá hồi Vân, cá tầm Nga) đã mang lại hiệu quả rất cao. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn có 9 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất con giống, cá nước lạnh thương phẩm trên diện tích 40ha.
Năng suất cá hồi bình quân 13,5 tấn/ha, doanh thu đạt khoảng 3-4 tỉ đồng/ha/năm; với cá tầm, doanh thu trên 1.000m2 lồng bè đạt 6-8 tỉ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 40% so với doanh thu.
Đặc biệt, với suất đầu tư nuôi ao nước chảy bình quân 3 tỉ đồng/ha và nuôi lồng bè 12 tỉ đồng/ha, đã có mô hình đầu tư nuôi cá nước lạnh ứng dụng công nghệ cao cho năng suất lên đến 60 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 1 triệu USD.
Khó khăn bài toán vốn
Cũng theo ông Trần Huy Đường, với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại thu nhập cao như vậy, thì cần phải đầu tư sản xuất thực sự. Để đầu tư được, phải cần có vốn mới phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài những vấn đề khác như quy hoạch, thị trường thì phát triển NNCNC đòi hỏi cũng phải có nhà xưởng, phải có máy móc thiết bị, phải có công nhân nông nghiệp, phải có quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn...
Tại Công ty Đà Lạt Hasfarm, mỗi ha nhà kính có giá trị đầu tư khoảng 5-7 tỉ đồng, thậm chí có công ty 100% vốn nước ngoài đầu tư cả triệu USD cho 1ha nhà kính.
Nhà kính mà nông dân hay các công ty Việt Nam nhập từ nước ngoài với chất lượng chấp nhận được cũng đã không dưới 3 tỉ đồng/ha. Vì vốn đầu tư rất lớn nên người sản xuất chỉ biết “cầu viện” đến ngân hàng, nhưng để tiếp cận được vốn thì rất khó.
Ông Đường cho biết, ông đã đi gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng chỉ được đồng ý cho vay ngắn hạn chứ không được dài hạn hay trung hạn. Vay ngắn hạn về đầu tư chưa xong thì đã phải quay lại trả nợ, như vậy ai dám vay?
Trong khi đó, theo UBND tỉnh Lâm Đồng: “Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đòi hỏi đầu tư cao về kỹ thuật và tài chính, song chưa có cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và nông dân”.
Chính vì vậy, trước mắt, nhà nước cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi về tín dụng cho việc phát triển NNCNC; các ngân hàng cần có chính sách thuận lợi cho các đối tác vay vốn sản xuất, đảm bảo định suất đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao…

No comments:

Post a Comment