Wednesday, November 10, 2010

Heo rừng, nhím, thu 1 tỷ/năm

Dưỡng Mập là cái tên thường gọi thân mật của Lầu Si Nịp, một chủ trang trại nuôi heo rừng lai và nhím ở thôn 5, xã Bình Long, Phước Long (Bình Phước). Từ việc nuôi heo rừng và nuôi nhím đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh 1 tỷ đồng/năm. 
Anh Dưỡng (người đi đầu) đang dẫn khách tham quan trang trại nuôi nhím của mình
Thuần dưỡng thú rừng
Hằng ngày phải chứng kiến cảnh heo rừng bị săn bắt và có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ về heo rừng lại ngày càng tăng, tại sao không thuần dưỡng và nuôi heo rừng theo hướng kinh doanh, anh Dưỡng đã tìm mua được 6 con heo rừng con gốc (5 cái, 1 đực) từ các thợ săn về nuôi. Sau một thời gian, các con heo rừng đã quen với môi trường sống mới, nhưng có một điều khó khăn là chúng không chịu giao phối với nhau dù anh đã thử nhiều cách.
 “Lúc đầu thấy nản quá nên tôi định bỏ luôn”, anh Dưỡng nói. Nhưng với quyết tâm làm cho bằng được, anh thử cho heo cái đồng bào (giống heo sóc của đồng bào dân tộc thiểu số) vào sống với heo rừng đực gốc, thì chúng lại chịu “gần” nhau và cho ra đời những con heo rừng lai thế hệ F1. Nhưng mỗi lứa heo chỉ đẻ được vài con nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần tìm kiếm thông tin, anh nhận thấy giống heo nái Móng Cái có khả năng sinh sản tốt, mỗi lứa sinh sản từ 10 -15 con, vậy là anh cho heo rừng đực thuần lai với heo nái Móng Cái.
Không ngờ thành công ngoài mong đợi. Hằng năm heo nái Móng Cái sinh sản đều đặn 2 lứa, mỗi lứa từ 10 - 12 con. Cứ thế, từ thế hệ F1 anh đem phối giống với heo rừng đực gốc để cho ra đời thế hệ lai F2, F3 rồi cuối cùng F4. Vốn là người ham học hỏi, không dừng lại ở đó, Dưỡng Mập còn rất thành công với việc thuần dưỡng nhím. Từ cặp nhím anh mua của thợ săn, lúc đầu chỉ để “làm cảnh”, nhưng thấy nhím cũng dễ nuôi, thị trường có nhu cầu cao, anh Dưỡng đã đầu tư nuôi, đến nay anh có hơn 170 con nhím, trong đó 80 cặp nhím đang tuổi sinh sản.
Hiệu quả kinh tế cao
Hiện nay anh Dưỡng bán heo thịt thì thường khoảng 30-60kg/con, còn heo giống thường khoảng 10-15kg/con. Về giá cả, heo thịt có giá từ 60.000 - 90.000 đồng/kg, heo giống từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Chất lượng thịt heo tùy theo thế hệ, như thế hệ F1, F2 có máu heo rừng gốc là 50% và 75%, còn F3 và F4 tương ứng trên dưới 90%. Thịt heo rừng lai ít mỡ, thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
 Ngoài cung cấp heo thịt, anh còn cung cấp heo giống cho thị trường trong cả nước. Mặc dù, tổng đàn heo lúc nào cũng trên 300 con, lúc cao điểm có trên 500 con nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Còn về nuôi nhím, theo anh Dưỡng, nếu cung cấp thức ăn đầy đủ, một năm nhím sinh sản đều đặn 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Nhím sau một năm nuôi có thể đạt 10-12 kg/con, trọng lượng tối đa một con khoảng 17 kg.
Hiện nay, theo giá thị trường một cặp nhím giống mới tách đàn là 8 - 12 triệu đồng. Còn về nhím thịt, nếu nuôi tốt thì trong 6 tháng có thể đạt 6kg/con và có giá 450.000 đồng/kg hơi. Theo tính toán của anh Dưỡng thì lợi nhuận từ việc nuôi heo và nuôi nhím hàng năm của gia đình anh không dưới 1 tỷ đồng.
Nuôi không khó
Theo Dưỡng Mập, vốn là động vật hoang dã nên thức ăn cho heo và nhím cũng đơn giản, chủ yếu là củ mì, khoai lang, chuối, cỏ voi, các loại rau, bầu, bí, dưa hấu, cám gia súc... Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Dưỡng Mập chỉ rõ từng khu riêng biệt được xây dựng một cách bài bản.
Heo rừng được nuôi trong 4 tiểu khu cho từng thời kỳ khác nhau: khu sinh sản, khu cho heo mới tách bầy, heo hậu bị và khu nuôi heo thịt. Tất cả heo ở đây được bấm tai đánh số hẳn hoi. Riêng với heo thịt thì nuôi theo hình thức bán chăn thả, xung quanh bao bọc bằng lưới B40, trong chuồng trồng các loài cây xanh để tạo bóng mát vì heo rất sợ nắng và rét.
Chuồng nuôi nhím, mỗi chuồng chỉ có diện tích 0,8 x 1,5 m để nuôi riêng từng cặp bố mẹ. Mặc dù heo rừng và nhím có sức đề kháng cao, nhưng nếu cho ăn thức ăn ôi, thiu và dính nước mưa thì chúng dễ bị bệnh tiêu chảy. Về chuồng trại cần phải thông thoáng, cần giữ vệ sinh tốt, hàng ngày phải quét dọn. Anh cho biết thêm, tuy việc nuôi heo rừng và nhím có tốn kém vì chi phí đầu tư ban đầu, nhanh thu hồi vốn, kỹ thuật nuôi cũng đơn giản vì vậy ai cũng nuôi được.

No comments:

Post a Comment