Tuesday, February 22, 2011

Nuôi rắn ráo trâu quy mô trang trại

Nghề nuôi rắn ráo trâu (còn gọi hổ vện, hổ trâu, hổ hèo...) đang rất hấp dẫn với nhiều người nuôi loại rắn này. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu về con giống cho người nuôi, rắn thương phẩm cho các nhà hàng và cả thị trường xuất khẩu thì nguồn cung vẫn còn hạn chế. Nắm bắt tình hình trên, từ đầu năm 2010, tại khu vực ấp Sa Tô, xã Khánh Bình, huyện An Phú (An Giang), một trang trại rắn ráo trâu được dựng lên nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Bằng sự nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin về thị trường tiêu thụ cùng với sự đam mê con rắn ráo trâu, anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nên một trang trại rắn ráo trâu thật bài bản. Anh Việt cho biết, mặc dù trại rắn của anh mới thành lập hơn một năm mà đã có hàng trăm bà con từ các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM và cả Hà Nội đến tham quan, mua con giống và các nhà hàng cũng tìm đến đặt mua rắn thương phẩm khá lớn.
Trại rắn của anh nằm bên một dòng sông sát biên giới, bên kia là huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal - Campuchia. Nhờ đất vườn rộng rãi nên việc chăn nuôi đối với anh rất thuận lợi. Công việc tiến hành khá suôn sẻ nhờ anh có một khoảng thời gian nuôi rắn ri voi. Theo anh Việt so sánh, nuôi rắn ráo trâu sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát số lượng rắn bố mẹ và tỉ lệ nở, sinh trưởng của đàn rắn con. Còn rắn ri voi thì rất khó biết được tỉ lệ hao hụt vì phải nuôi trong môi trường nước. Vả lại rắn ri voi rất hung dữ và kén mồi hơn. Do đó mà kể từ đầu năm 2010, anh Việt đã bắt đầu chuyển hẳn sang nuôi rắn ráo trâu.
Ban đầu anh đi thu gom rắn của bà con ở địa phương nuôi nhưng không hiệu quả, được hơn chục cặp bố mẹ. Để chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài, ngay từ khi chuẩn bị thành lập trang trại, anh Việt đã chủ động tìm đến Chi cục Kiểm lâm An Giang để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký “Trại gây nuôi sinh sản – nuôi sinh trưởng động vật hoang dã” và đã được chấp thuận ngay sau đó. Đây có lẽ là điều động viên khích lệ những người có ham thích với nghề nuôi động vật hoang dã như anh. Bên cạnh đó, vừa tạo điều kiện dễ dàng cho người nuôi trong việc mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, vừa có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận, anh Việt không ngừng tự mày mò qua sách báo và các tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng chuồng trại đúng quy cách. Hiện tại nhiều nhà hàng, quán ăn đã đến trang trại của anh thu mua rắn với giá khá cao, từ 600.000đ – 700.000 đ/kg nhưng không đủ để bán. Do đó, một vài bà con nông dân ở hai huyện An Phú và Tân Châu (An Giang) đã nuôi ráo trâu cho sinh sản và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ.
Theo kinh nghiệm của anh Việt, loài rắn ráo trâu dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh tật, đầu ra lại ổn định. Nếu chăm sóc đúng theo hướng dẫn thì chỉ sau 6 tháng là rắn trưởng thành và khoảng 1 năm tuổi, rắn sẽ tự bắt cặp (phối giống) và bắt đầu đẻ, mỗi lứa khoảng 10 trứng, nhiều nhất là 20 trứng. Sau khi rắn đẻ xong, người nuôi cho tất cả trứng vào riêng một cái thùng hoặc khạp có đổ cát hoặc giẻ khô để ấp, mặt đậy kín giữ ấm. Sau hai tháng, trứng sẽ nở đạt tỉ lệ từ 85 – 95%. Qua theo dõi của anh Việt, rắn ráo trâu mỗi năm đẻ hai lần, thường bắt cặp vào tháng chạp và đẻ nhiều vào tháng 2, 3 hoặc giữa năm.
Chuồng nuôi rắn có nhiều dạng, chuồng xi măng hoặc chuồng lưới. Trại rắn của anh Việt chia làm 6 khu riêng biệt, tất cả đều được xây bằng gạch khá kiên cố và các vách xung quanh được bao lưới để có tạo môi trường thông thoáng cho rắn sinh hoạt. Ngoài ra để giữ cho chuồng trại sạch sẽ và tiện chi việc phân loại cỡ rắn, anh Việt đều có khu dành riêng cho rắn đẻ, rắn lứa, rắn con và rắn thương phẩm... Đặc biệt, mỗi chuồng đều có lót vỉ tre hoặc lưới sao cho mát, sạch và êm để rắn nghỉ ngơi. Thức ăn chính của rắn là động vật như ếch, nhái, chuột hoặc các phế phẩm từ gia súc, gia cầm (đặc biệt là đầu gà).
Theo kinh nghiệm của nhiều người, rắn đực và cái nên nhốt chung một chuồng. Nhưng sau một thời gian cần phải tách ra theo kích cỡ lớn nhỏ riêng để tránh việc giành ăn có thể gây ra thương tích lẫn nhau. Nhất là trong thời kỳ giao phối, rắn đực rất hung dữ khi kiếm bạn tình. Do đó nên bố trí mỗi chuồng theo tỉ lệ 1đực/2 cái. Riêng rắn con mới nở phải được nhốt riêng. Rắn giống hiện nay có giá từ 200.000 – 400.000đ/con, tùy theo ngày tuổi. Tính ra, nuôi rắn ráo trâu lợi nhuận cao hơn nuôi rắn ri voi và các loài động vật hoang dã khác, nhất là nuôi rắn cho sinh sản, lợi nhuận sẽ còn cao hơn nhiều.
Chỉ mới hơn một năm phát triển mà trang trại của anh Việt đã gầy dựng trên 200 rắn bố mẹ, 300 rắn lứa và nhiều rắn con mới nở. Đó là chưa kể số rắn thương phẩm và rắn giống đã bán ra trên 600 con. Anh cho biết, hiện nay con giống đang khan hiếm, trang trại duy nhất của anh ở An Giang không đủ cung cấp cho các hộ nuôi và các nhà hàng. Đây là loại động vật hoang dã nên việc nuôi và thuần dưỡng ráo trâu, ngoài lợi nhuận ra còn góp phần bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm. Mặc dù được cấp giấy phép nhưng ước mơ của anh là cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của chính quyền và các ngành chức năng về hành lang pháp lý để anh yên tâm mở rộng chuồng trại.

Sunday, February 20, 2011

Triệu phú tôm sinh thái

Mô hình nuôi tôm sinh thái (tôm – rừng) của ông Phan Văn Huấn (ảnh) ở ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, Duyên Hải (Trà Vinh) nhiều năm liền thắng lớn. Năm 2010, ông Bảy Huấn thu về lợi nhuận hơn 150 triệu đồng từ nuôi tôm, cua, cá dưới tán rừng. Đây là năm thứ 9 liên tiếp mô hình tôm - rừng của ông đạt hiệu quả cao. Người dân nơi đây phong cho ông cái tên khá thân thương “triệu phú” tôm sinh thái.
Đi giữa rừng tôm trong cái nắng ấm đầu năm của xứ biển Trà Vinh ta mới thấy sự quí giá vô ngần của rừng, “lá phổi xanh” thiên nhiên ban tặng cho con người. Ông Bảy Huấn, chủ trang trại tôm sinh thái nổi tiếng ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải bồi hồi nhớ lại câu chuyện cách đây 30 năm: Vào những năm 80 thực hiện chủ trương của nhà nước thành lập nông trường Hiệp Thạnh, hàng loạt rừng ngập mặn bị phá để trồng dừa, nuôi tôm. Cây dừa trên đất nhiễm mặn chỉ xanh tốt được vài năm đầu, rễ xuống sâu gặp phải phèn mặn đèo đẹt, trái chỉ như cái gáo đờn. Còn con tôm nuôi trên diện tích bé tí mỗi hộ chưa quá 0,3 ha lấy đâu mà thoát nghèo. Sau khi nông trường giải thể, người dân được giao đất, khai thác nuôi tôm, trồng rừng.
Giữa rừng đước xanh um, là một vùng nước mênh mông đầy ắp tôm, cua, cá. Chỉ quăng một miệng chài là thức ăn phủ phê cho cả 8 người. Để có được cơ ngơi 6 ha tôm sinh thái ngày nay ông Bảy Huấn đã cật lực lao động, dành dụm hơn nửa đời người. Năm 1990 trong khi nhiều người phá rừng đào ao nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp thì ông Huấn quay lại trồng rừng nuôi nhử tôm, cá tự nhiên. Nhiều người chế giễu cho rằng ông làm chuyện ngược đời. Bỏ ngoài tai những lời dèm pha, ông kiên trì gầy dựng 6 ha diện tích tôm rừng theo tỷ lệ 50% rừng - 50% diện tích mặt nước nuôi tôm. Con tôm nuôi thả lan trong rừng đước không cần cho ăn, không dùng thức ăn tăng trưởng, không thuốc kháng sinh phòng trị bệnh, có thể nói là tôm sạch đúng nghĩa nên luôn bán được giá. Năm 2010, ông Huấn đầu tư 20 triệu đồng thả nuôi 150.000 con tôm sú giống, cua biển, cá chẽm. Sau 3 tháng nuôi ông bắt đầu thu tỉa tôm lớn bán. Tôm nuôi thả lan dưới tán rừng thu hoạch kéo dài hơn 8 tháng: từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. Một tháng có 2 kỳ thu hoạch: 15 và 30 âm lịch. Vụ tôm năm nay ông Huấn thu lãi hơn 90 triệu đồng, lợi nhuận cộng thêm từ cua biển, cá chẽm dưới tán rừng hơn 70 triệu đồng, cứ đầu tư 1 đồng vốn thu lãi 8 đồng lời.
Nhờ ưu tiên trồng rừng trước rồi mới tính chuyện nuôi tôm, nên con tôm sống dưới tán rừng ít dịch bệnh, 20 năm phát triển mô hình tôm - rừng chưa bao giờ ông Huấn thất bại, 9 năm gần đây khi rừng đước ngày một phát triển, tán rừng ngày một dầy lợi nhuận từ con tôm, con cua, con cá ngày một tăng, trung bình mỗi năm lợi nhuận từ 80 đến 100 triệu đồng. “Cái độc đáo của mô hình tôm, rừng, cua, cá kết hợp là khi kiểm tra phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu yếu, bị bệnh thì thả cá chẽm vào cho cá ăn hết tôm yếu, tôm bị bệnh, sau đó dùng lưới thu cá chẽm trở về ao nuôi riêng”. Ông Huấn bật mí.
Ông Lê Văn Nhớ, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết: Trước đây nông dân ồ ạt phá rừng nuôi tôm, giờ bà con quay lại trồng rừng. Mô hình tôm - rừng sinh thái của ông Bảy Huấn là điểm sáng đang được hàng trăm nông dân trong vùng học tập làm theo. Đến nay, trên địa bàn xã có nhiều trang trại nuôi tôm quảng canh, trang trại rừng - tôm kết hợp thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, điển hình như: trang trại anh Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Chuột, Nguyễn Văn Lập, Lê Văn Bụi. Mô hình tôm sinh thái ông Bảy Huấn là 1 trong 15 mô hình tiêu biểu được tổ chức GTZ (Đức) chọn hỗ trợ vốn, giống xây dựng mô hình tôm, rừng thích ứng biến đổi khí hậu. Mô hình đã tạo nên bước đột phá mới để người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất trước biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn ở Hiệp Thạnh, Duyên Hải – Trà Vinh nói riêng, ĐBSCL nói chung ngày càng phức tạp, nên chủ trương phát triển tôm rừng sinh thái là hướng phát triển bền vững. Ông Bảy Huấn chia vui: “Cách đây vài năm, một đoàn cán bộ của Đức, các nhà khoa học Bộ Nông nghiệp và PTNT, Dự án IMPP Trà Vinh (Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo) đến tham quan. Tôi đãi những đặc sản sạch bắt dưới tán rừng, trong đó có tôm sú. Ai cũng tấm tắc khen. Họ khen tôm sinh thái thịt ngọt lịm, giòn tan. Điều đặc biệt là an toàn cho sức khỏe vì không có chất kháng sinh”.

Thursday, February 17, 2011

Nuôi nhím lãi cao

Ông Trần Ngọc Thơ (khu vực Tấn Mỹ, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) hiện nay có đàn nhím đến 45 cặp, cả đực và cái. Trung bình, một năm đẻ từ 15- 20 con, trừ hết chi phí lãi 80 triệu đồng/năm.
Theo ông Thơ, nuôi nhím rất nhàn, chuồng xi măng rộng 2m2 có thể nuôi được 1 cặp nhím. Nhím là loài vật có sức đề kháng cao, ít xảy ra bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là các rau củ bỏ đi. Một năm nhím đẻ 2 lần, mỗi lần đẻ từ 2-3 con, nhím nuôi 1 tháng đầu đạt trọng lượng từ 800 gram đến 1kg, nhím nuôi từ 3-4 năm đạt trọng lượng 19-20 kg là không tăng trọng nữa. Giá 1 cặp nhím 3 tháng tuổi 15 triệu đồng, nhím bố mẹ 1 năm trở lên từ 35-40 triệu đồng.
Ông Đoàn Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt cho biết: Hiện nay, mô hình nuôi nhím tại địa phương còn rất ít, trong năm 2011 phường phổ biến mô hình nuôi nhím đến bà con. Tuy nhiên, giá nhím giống quá cao, người nào có đủ điều kiện thì khuyến khích nuôi.

Sunday, February 13, 2011

Trồng ớt trái vụ



Trồng ớt phủ bạt nylon ở Bình Trung (Bình Sơn).
Chọn giống
- Giống hiểm lai 207 (F1): cho trái chỉ thiên, dài 2 - 3cm, rất cay và thơm, năng suất 2 - 3kg trái/cây, chống chịu khá bệnh thán thư.
- Giống ớt cay 391 (F1): sinh trưởng mạnh, chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, phẩm chất tốt.
Kỹ thuật trồng
Chuẩn bị cây con: Lượng giống gieo15-25g/1.000m2 . Nhất thiết phải qua giai đoạn vườn ươm để sản xuất cây con.
Đất gieo: trộn 1 đất + 1 phân chuồng hoai mục + 0,5 tro trấu (nếu có), cho đất vào bầu hoặc vỉ gieo.
Chú ý: Xử lý đất để trừ kiến, mối gây hại. Che bằng giàn có khung đỡ, tránh ánh sáng trực sạ và mưa lớn. Cây con đạt 5 - 6 lá thật (30 - 35 ngày) có thể đem trồng.
Cách trồng: Đất phải được luân canh triệt để với các loại cây họ Cà. Dọn sạch cỏ, rác và cày bừa kỹ. Trồng mùa mưa phải lên luống (líp) cao.
Trồng hàng đơn: Cây cách cây 0,5m, hàng cách hàng 1,0 - 1,1m; mật độ khoảng 18.000 - 19.000cây/ha.
Trồng hàng đôi: Luống rộng 1,1 - 1,2m, rãnh 0,4 - 0,5m. Mỗi luống trồng 2 hàng.
Sử dụng màng phủ: Giúp hạn chế rệp truyền virút cho cây, hạn chế cỏ dại, ổn định nhiệt độ cho đất. Màng được căng đều trên mặt luống với ánh bạc hướng lên trên.
Bón phân (xem bảng, đvt: kg/1.000m2). Chú ý bón thúc vào giữa 2 gốc ớt hoặc ngâm phân tan trước khi tưới. Sau khi tưới phân phải tưới nước và rửa lá, tránh gây cháy lá.
Phun bổ sung phân bón lá Hi-Canxi định kỳ 7 - 10 ngày/lần vào lúc trái đang phát triển để ngừa bệnh thối đuôi trái.
Chăm sóc:
Tưới, thoát nước: ớt cần nhiều nước, nhất là thời kỳ ra hoa rộ và phát triển trái. Nếu khô hạn thì nên tưới rãnh (tưới thấm). Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt. Có hệ thống mương tiêu chống ngập úng.
Tỉa nhánh: Các cành nhánh dưới điểm phân cành cần tỉa bỏ cho gốc thông thoáng, để ớt phân tán rộng
Làm giàn: Cắm cọc, căng dây tạo giàn giữ cho cây đứng vững, chống gãy, đổ, cành lá, trái không bị chạm đất. Hạn chế sâu đục trái và kéo dài thời gian thu trái.
Phòng trị sâu bệnh:
Ruồi đục lá: Phun dầu khoáng DC-Tron plus (Caltex) nồng độ 1,5 - 2%o (1,5-2cc/1 lít nước) kết hợp với các loại thuốc gốc cúc: Peran 10EC, Sumi Alpha 5EC 1%o hoặc Baythroit 50SL với nồng độ 2%o hoặc Sherpa 25 EC, Oncol 20EC, Regent 0.5G, Vertime1,8 EC, Trigard 75WP...
Sâu xanh đục quả: Kiểm tra để ngắt bỏ ổ trứng. Phun thuốc khi sâu non mới nở sẽ cho hiệu quả cao. Sử dụng Sherpa 25EC; Karate 2,5 EC; Mimic 20 DF; Ammate 150SC; Atabron 5EC; Xentari 35 WDG. Trường hợp mật độ sâu cao và tuổi lớn có thể pha hỗn hợp thuốc trừ sâu Pyrethoid với thuốc vi sinh cho cho một lần phun. Giai đoạn ra hoa phun thuốc khi có khoảng 10 -15% hoa bị hại, phun tập trung vào hoa, lá non.
Sâu ăn tạp: Phun Karate 2,5 EC, Mimic 20 DF, Xentari 35 WDG, Politrin 440EC, Atabron 5EC, Match.
Bọ phấn: Khi thấy có bệnh virút trên ruộng, với mật độ 1 bọ/ cây phải phun trừ ngay. Phun Admire 50EC, Vertimec 1.8EC, Applaud 10WP, Natrasoap.
Rầy xanh, rầy mềm: Sử dụng thuốc Vertimec 1,8 EC; Trebon 10EC; Karate 2,5 EC; Regent 800 WG; Admire 50 EC.
Bệnh lở cổ rễ: Sử dụng Monceren 250SC; Anvil 5SG; Validacin 3-5SL, …
Bệnh thán thư: Thu gom và tiêu hủy trái bị bệnh. Phòng trị bằng thuốc Copper-B, Manzate 200, Mancozeb 80BHN, Derosal 50SC , Daconil 50-75WP, Ridomil 68-72WP, TopsinM, Poliram 80DF, ThanM, Bavistin 50FL…
Bệnh mốc sương: Phòng trừ bằng các loại thuốc như TP-Zep 18EC, Bavistin 50FL, Poliram 80DF, Ridomin 72 WP, Antracol 70WP, Topsin M…
Bệnh héo rũ do vi khuẩn: Phun phòng bằng chế phẩm Phytoxyl-VS. Xử lý thuốc trừ bệnh kịp thời khi cây vừa chớm có bệnh với: Champion, Kasuran, Kasumin 2L, Topsin M, Staner 20WP,
Bệnh héo rũ do nấm: Phun kỹ Rovral; Benlate-C… vào gốc.
Thu hoạch
Thu hoạch khi trái bắt đầu chuyển màu. Ngắt nhẹ cả cuống, tránh làm gãy nhánh. Cách 1 - 2 ngày thu 1 lần. Việc bao gói để vận chuyển phải tạo lỗ thoáng khí. Có thể dùng loại túi lưới hoặc bao PE. Bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát.

Wednesday, February 9, 2011

Triệu phú mía giữa rừng

Lập nghiệp ngay giữa núi rừng của buôn làng, chàng trai người Ba Na đang có hơn 30ha mía nguyên liệu, ba xe tải lớn và hơn 20 con bò với thu nhập hằng năm trên 800 triệu đồng.
Đinh Văn Vinh - Ảnh: Phước Tuần
Chàng triệu phú trẻ giữa núi rừng ấy là Đinh Văn Vinh - ba năm nay giữ chức bí thư Đoàn xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang (Gia Lai). Công việc của anh đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương với mức lương 1,8 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Vượt qua thất bại
Vượt hơn 20km đường đất sình lầy cùng vài con suối sâu từ thị trấn Đắk Pơ (huyện Đắk Pơ, Gia Lai) vào làng Đáp của xã Kông Lơng Khơng mới thấy hết sự hiểm trở của địa hình nơi đây. Thế mà giữa núi rừng, chàng trai Đinh Văn Vinh quyết tâm làm giàu bằng cách trồng mía nguyên liệu trên những cánh đồng giữa thung lũng, sườn núi của địa phương.
Thành công được như hôm nay, Vinh đã nếm mùi thất bại và tưởng chừng có lúc buông xuôi. Đó là khi thi rớt đại học năm 2004, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Khi ấy thấy phong trào nuôi bò, dê phát triển mạnh ở vùng núi của tỉnh Gia Lai, Vinh mượn ít vốn của gia đình đầu tư nuôi 21 con bò, 31 con dê trên mảnh đất 1,7ha. Quần quật ba năm làm trang trại, nhưng thời điểm xuất trại trúng vào lúc giá thị trường rớt mạnh, cộng thêm chất lượng gia súc không cao do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên trang trại lỗ hơn 60 triệu đồng. “Lúc ấy mỗi lần nghĩ đến chuyện lỗ nước mắt cứ ứa ra nhưng tôi vẫn quyết tâm làm lại”. Vinh kể.
Đúng thời điểm đó Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) vừa thành lập, người dân trong làng chuyển đổi các cây mì, lúa rẫy, kê... sang trồng mía nên Vinh cũng thử.
“Với diện tích đất rẫy của gia đình, ban đầu tôi đầu tư trồng 5ha mía nhưng do thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm nên một lần nữa thất bại”, Vinh bùi ngùi nhớ lại. Không nản chí, Vinh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội của huyện, đầu tư trang thiết bị máy móc kỹ thuật dốc sức vào trồng mía. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân đúng cách nên sau một năm, sản lượng mía đạt 60 tấn/ha, hiệu quả kinh tế khả quan. Khi ấy Vinh đầu tư và nhân rộng diện tích trồng mía lên gần 20ha.
Đổi đời nhờ mía
Ngoài Vinh, nhiều nông dân trong xã cũng mở rộng diện tích trồng mía, hiệu quả kinh tế cao. Lúc ấy, Nhà máy đường An Khê ủy thác cho Vinh mua mía của nông dân. “Đó là một may mắn vì nhờ thế tôi được nhà máy cho đi tập huấn nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... Vì vậy năng suất mía của tôi và bà con tăng từ 60 tấn/ha lên 75 tấn/ha chỉ trong một vụ” - Vinh chia sẻ.
Để đáp ứng việc mua và vận chuyển mía thuận lợi, Vinh đầu tư hai chiếc xe tải lớn, hai máy cày và một xe sạc bắp với chi phí hơn 700 triệu đồng. Ngoài lợi nhuận từ 20ha mía, Vinh đã dần hoàn lại vốn và có ít lãi nhờ việc mua và vận chuyển mía cho Nhà máy đường An Khê.
Thấy bà con buôn làng thiếu vốn, anh đã hỗ trợ hơn 20 gia đình vay vốn không lãi suất mua phân bón, thuê nhân công, khi nào thu hoạch mía anh thu lại. Không có thời gian chăm sóc đàn bò, anh hỗ trợ bò giống cho bà con chăn nuôi với phương thức lãi chia đôi, tăng thêm thu nhập cho bà con trong buôn làng.
Với hơn 30ha mía hiện có cùng việc mua mía, Vinh đã giúp hơn 20 lao động có việc làm ổn định, nhiều lúc vụ mùa thu hoạch lên đến hơn 50 nhân công. Vinh bảo: “Lập nghiệp ở vùng sâu không quá khó nếu chúng ta biết cố gắng, quyết tâm và đừng bao giờ nản chí với những thất bại”.
”Anh Vinh có nhiều sáng kiến”
Không những là một thanh niên làm kinh tế giỏi, Đinh Văn Vinh còn là một bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Dù bận rộn với công việc làm ăn nhưng Vinh thường xuyên đến tận nhà các bạn trẻ Ba Na thăm hỏi, động viên tham gia hoạt động Đoàn - Hội, tư vấn cách lập nghiệp cho thanh niên địa phương. Vinh còn tạo ra nhiều sân chơi cuối tuần, mô hình giúp nhau làm kinh tế cho thanh niên trong xã.
“Chính anh đã có nhiều sáng kiến, góp ý cho lãnh đạo địa phương cùng tuyên truyền xóa bỏ những tập tục lạc hậu của buôn làng. Tấm gương phát triển kinh tế của Vinh đã được Tỉnh đoàn Gia Lai nhân rộng cho thanh niên trên địa bàn tỉnh học hỏi, tham khảo” - anh Bùi Văn Phương, phó bí thư Huyện đoàn K’ Bang (Gia Lai), cho biết.
Đầu tháng 12-2010, Trung ương Đoàn vừa quyết định trao tặng giải thưởng Lương Định Của 2010 cho chàng triệu phú trẻ Đinh Văn Vinh.
PHƯỚC TUẦN

Tuesday, February 8, 2011

Trồng mồng tơi lấy hạt, lãi 60 triệu đồng/công

Anh Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội nông dân xã Long Kiến nhận định: Mô hình trồng mồng tơi lấy hạt là mô hình mới đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, hiện nay nông dân làm tự phát, thấy giá cao là chuyển đổi trồng, vì vậy cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và những cơ sở thu mua, nhằm tránh tình trạng ép giá hoặc giá cả thị trường lên xuống bấp bênh. Hướng tới chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng tìm đầu ra bền vững để bà con nông dân an tâm sản xuất.
Lâu nay cây mồng tơi được người dân trồng hái lá ăn hoặc cắt ngọn bán chỉ vài ngàn đồng/kg chứ chẳng tính đến chuyện làm giàu. Thế nhưng gần đây, nông dân xã Long Kiến (Chợ Mới - An Giang) đã chuyển trồng cây mồng tơi lấy hạt bán giá cao đem lại sự đổi đời cho nhiều hộ nông dân...
Dưới cái nắng chói chang đầu năm Kỷ Sửu, chúng tôi cùng ra đồng với cán bộ xã Long Kiến, thấy hàng chục hộ nông dân đang chăm sóc cho những luống mồng tơi xanh rờn đang vào vụ trúng mùa được giá. Mảnh mồng tơi của nông dân Nguyễn Thanh Hồng (ấp Long An) chỉ trồng hơn công đất nhưng năm nào cũng đem lại lợi nhuận hơn 70 triệu đồng cho gia đình chú. Cũng nhờ vậy mà chú nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, trong nhà đầy đủ ti vi, tủ lạnh…
Chú Hồng kể: “Trước cây mồng tơi trồng chủ yếu để ăn lá, không ai nghĩ trồng mồng tơi mà giàu được. Tôi còn nhớ khoảng năm 2000, hộ ông Hai Phu trồng mồng tơi lấy hạt đầu tiên với 4 công, dứt vụ bán với giá 50 ngàn/kg hạt, trừ đi tất cả chi phí ông còn lời trên 150 triệu đồng/năm. Thấy có hiệu quả tôi mới mần thử hơn công, không ngờ hạt mồng tơi bán được giá cao thấy mà ham, các năm tiếp theo tôi cũng tiếp tục trồng, trung bình 1 công mồng tơi thu hoạch khoảng 1 tấn hạt khô, bán với giá 70 ngàn/kg, trừ chi phí còn lời trên 60 triệu đồng/công.
Đầu năm nay, giá mồng tơi lên cao ngất ngưởng, thương lái liên tục đến nhà hỏi mua với giá 75 ngàn đồng/kg mà tui nói đợi lên giá chút nữa mới bán". Cũng theo chú Hồng, mồng tơi là loại cây dễ trồng, khâu chăm sóc nhẹ nhàng, chi phí đầu tư thấp, giống được mua ở các cơ sở bán vật tư nông nghiệp trong huyện. Khi làm lúa xong thuê máy cày phơi đất hơn tuần lễ, rồi đem hạt mồng tơi sạ thành từng hàng, sau đó mua dây kẽm, cắm cọc giăng thành giàn như giàn khổ qua để mồng tơi leo, sau 4 tháng là cho thu hoạch. Lưu ý mỗi đợt phải cách nhau 15 ngày thì mới thu hoạch tiếp. Vòng đời mồng tơi kéo dài đến 2 năm nên đỡ tốn chi phí mua giống. Khâu tưới nước cũng như lúa, cứ be bờ cao rồi dùng máy bơm nước vào. Ngồi chỉ tay vào những dàn mồng tơi, chú nói Tết rồi chú bỏ túi ngót nghét 70 triệu đồng/công, khỏe re.
Cạnh đó là hộ anh Phạm Văn Được, đang đắp đất chăm sóc mấy công mồng tơi, anh hồ hởi: "Cách đây khoảng 8 năm, thấy ông Nguyễn Thanh Hồng trồng, tôi làm theo, không ngờ trồng chơi mà ăn thiệt, nhà tôi trồng được 2,5 công, năm vừa rồi trừ chi phí bỏ túi hơn 120 triệu. Năm 2008, hái đợt đầu khoảng 1 tấn, với giá 75 ngàn đồng/kg, tôi kiếm 75 triệu đồng ngọt xớt. Trồng mồng tơi lời gấp 10 lần so với lúa mà ít sâu, rầy phá hại. Tại thời điểm hiện nay, giá thị trường dao động từ 50-75 ngàn đồng/kg hạt khô, dân trồng mồng tơi tụi tôi mừng như bắt được vàng. Năm nay, nhà tôi ăn Tết lớn hà nghen".
Mồng tơi được các thương lái địa phương thu mua về giao cho bạn hàng TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Có thể nói, trồng mồng tơi là hướng đi mới và phù hợp với điều kiện của bà con nông dân xã Long Kiến. Giờ đây, cái giậu mồng tơi xanh rờn được hái ăn ngày nào đã trở thành cây màu thế mạnh mang giá trị kinh tế vượt trội, đem đến sự giàu có cho nhiều hộ gia đình.

Trồng mồng tơi lấy hạt

Thời gian qua, nhiều bạn đọc hỏi cách trồng mồng tơi lấy hạt và nơi tiêu thụ. Chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo kinh nghiệm của anh Phạm Văn Được ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới (An Giang): Trồng mồng tơi 2 tháng là cho thu hoạch hạt, bà con nông dân chú ý trồng mồng tơi lấy hạt thì không hái lá hoặc hái đọt non để ăn hoặc bán. Vì hái lá, đọt non làm ảnh hưởng đến phẩm chất hạt mồng tơi. Mỗi đợt thu hoạch hạt mồng tơi cách nhau 15 ngày.
Mỗi lần sau thu hoạch cần bón khoảng 25kg phân N-P-K và tưới nước vào gốc mồng tơi để giúp cây phát triển tốt và cho hạt tiếp ở lần sau. Dòng đời mồng tơi kéo dài đến 2 năm nên đỡ tốn chi phí mua giống. Thu hoạch: mồng tơi cho hạt na ná như hạt tiêu, nên chọn những trái chín đen mới thu hoạch. Hạt mồng tơi đem phơi nắng cho khô lớp vỏ bên ngoài gần giống như hạt tiêu ăn của mình thì đem đi bán.
Hiện nay nông dân ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới (An Giang) thu hoạch hạt mồng tơi bán giá 70-75 ngàn đồng/kg. Người trồng mồng tơi ở Chợ Mới được các thương lái đến tận nhà thu mua hạt đem đi xuất khẩu để chế xuất dược thảo và lấy tinh dầu. Mọi chi tiết về mua bán hạt giống mồng tơi xin liên hệ với cán bộ nông nghiệp UBND xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ĐT: 0763.636929.
Báo NNVN