Sunday, October 17, 2010

Thu hoạch ca cao

Bình thường cây ca cao ra hoa mỗi năm 2 lần.
Lần thứ nhất, thường vào tháng 5 và 6. Lần thứ hai, vào khoảng tháng 10, đợt hoa này ít hơn. Ở những vùng đất cao hơn, so với mặt biển như Tây Nguyên, ca cao ra hoa đậu quả chậm hơn.
Trái ca cao chín sau 4 - 5 tháng. Ở nhiều vùng đất tốt, cây ca cao hầu như ra hoa đậu quả quanh năm.
I. HÁI TRÁI
Người ta thu hái trái ca cao căn cứ vào màu sắc của vỏ trái : khi các trái màu đỏ chuyển sang màu đỏ cam hoặc trái màu vàng chuyển sang màu lục vàng là đã chín. Trái vừa chín cần hái ngay vì nếu chưa chín, hạt trong quả chưa chín rất khó bóc ra và là sản phẩm hạt loại thấp. Ngược lại, để trái chín lâu trên cây, trái dễ bị sâu bệnh, côn trùng, chim, chuột, sóc... phá hại và bản thân trái ca cao mau chín rục và rụng, nhanh chóng thối rữa.
Tuy nhiên, đối với một số trái màu đỏ tím đậm, sự thay đổi màu vỏ không rõ lắm, rất dễ nhỡ vụ. Nên đối với những loại trái đỏ tím rất đậm này này người ta thu hoạch phải chú ý : gõ ngón tay vào vỏ trái để nghe âm thanh bụp bụp khi trái chuyển chín để xác định trái đã chín dễ hơn nhìn màu sắc (nếu rút kinh nghiệm nhìn màu sắc được càng tốt). Trong việc hái trái, chú ý thà trái chín quá một chút còn hơn hái trái chưa chín rất thiệt hại : hạt khó ủ, tỉ lệ hạt tím và xám cao, năng suất ca cao khô giảm nhiều.
Cho nên thu hoạch trái chín phải tiến hành đều đặn hàng tuần, hay 10 ngày hoặc 15 ngày một lứa là chậm nhất. Không được để quá tới 3 tuần lễ, dễ sót trái quá chín và hư hỏng.
Ở những cây ca cao, vùng ca cao có bệnh trái hư thối càng phải chú ý thu hoạch thường xuyên hơn để hạn chế bớt những phá hại của bệnh.
Tất cả những trái thấy rõ bệnh hoặc sâu hại cần được cương quyết loại ra ngoài. Chú ý : chỉ thu hoạch những quả nguyên vẹn, đủ tiêu chuẩn.
Đơn giản hơn ta có thể hái bằng chiếc câu liêm dài cán hay lưỡi liềm sắc và sạch. Cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ nghiêm ngặt không để những trái ca cao hoặc cành hoặc thân, lá ca cao có bệnh vung vãi lây bệnh, quét dọn các quả cũ, các cành chết khô, chôn sâu quả, lá, cành bệnh, nấm...
Cố gắng thu hoạch trái mỗi vụ nhanh gọn trong vòng 3, 4 tuần
II. BÓC QUẢ
Ở một số nước, nơi có ca cao lượng lớn, người ta bóc quả tại chỗ, chỉ đưa hột đóng bao đem về xưởng xử lý. Ở các trại ca cao nhỏ, gia đình, thường quả ca cao số lượng không nhiều lắm, người ta đều thu hoạch quả sau 1, 2 ngày mới bóc hạt và ủ.
Thời gian giữa bóc quả lấy hạt và đưa vào ủ không được kéo dài quá 24 giờ, trái lại hái trái rồi có thể để lại 3, 4 ngày sau mới bóc, không có hại gì.
Bóc quả ca cao để lấy hạt là đập quả ra bằng một khúc gỗ (làm tay nắm trơn như dùi đục thợ mộc) đập theo chiều thẳng đứng (để trái cũng theo chiều đứng thẳng), cũng có thể cầm quả đập vào đá, vào cây gỗ to, để trái vỡ ra, bóc lấy hạt, tách bóc khỏi trung trụ sạch hết xơ cùi trụ : lách hai ngón tay theo chiều dài và cả hai bên xơ cùi trụ, hạt sẽ tách ra dễ dàng.
Có nơi dùng dao mổ trái theo chiều dọc tức là để quả theo chiều đứng, dùng dao chặt hai nhát 2 bên đối diện, ở nhát thứ hai này phải vừa chặt vừa vặn để mổ quả. Xong lấy mũi dao gẩy hạt ra. Dùng dao kiểu này dễ dập hạt, lại không loại được hết xơ cùi trụ dính hạt.
Hạt còn dính xơ cùi trụ thì rất khó phơi khô đều và làm giảm giá trị sản phẩm ca cao.
Bóc quả là việc khó : phải cẩn thận và tốn công. Nếu một lao động hái được 1.000 quả trong một ngày thì cũng phải tốn một lao động để bóc 1.000 quả ấy. Người ta đã tìm cách cơ giới hóa việc bóc vỏ này. Trước đây trên thế giới đã có nhiều kiểu máy bóc quả nhưng ít được sử dụng vì chưa thấy lợi. Mới gần đây có một loạt máy : loại Cacaoette của Pháp, Zumex của Tây Ban Nha, Pinhalense của Brasil. Loại Cacaoette của Pháp tương đối nhỏ gọn và có thể mang đến vườn ca cao. Loại Zumex có 2 cỡ máy : một cái có thể bóc 3.500 trái trong 1 giờ, cái kia có thể bóc 10.000 trái trong giờ. Máy lớn với lượng quả cần quá nhiều như vậy, cho nên ở nước ta cần phải có tổ chức trồng ca cao rộng khắp, thâm canh, kỹ thuật cao hơn nữa để có đủ lượng quả cho máy hoạt động, tránh lãng phí.