Wednesday, January 19, 2011

Lâm Đồng kỳ vọng cây tre

Trong năm 2011 này, tại huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), dự án trồng tre sẽ chính thức được triển khai. Đây sẽ là cơ sở để Đạ Tẻh nói riêng và Lâm Đồng nói chung hình thành một ngành công nghiệp tre năng suất cao và góp phần cải thiện đời sống người dân trong vùng.
Theo ông Phạm Văn Án – GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng, dự án trồng tre của tỉnh đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt hồi tháng 8/2010; và dự kiến vào mùa mưa tới (mùa mưa năm 2011), những cây tre giống của dự án sẽ chính thức được trồng trên đất Đạ Tẻh.
Theo dự án, trong 5 năm từ 2011 – 2015, tại huyện Đạ Tẻh sẽ hình thành vùng nguyên liệu 1.000ha tre tầm vông (thyrsostachys siamensis) và Mạnh Tông (dendrocalamus asper) trên những vùng đất nghèo kiệt thuộc 3 tiểu khu 536, 551B và 554B thuộc xã An Nhơn; trong đó, gồm 600ha được người dân trong vùng thực hiện trồng dưới dạng phân tán và 400ha do các doanh nghiệp trồng tập trung.
 Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng 1.000ha tre tại huyện Đạ Tẻh, Sở NN-PTNT đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ với các hộ dân và các doanh nghiệp về chương trình thực hiện thí điểm dự án trồng, quản lý và bảo vệ vùng nguyên liệu tre tại Đạ Tẻh. Dự án này do Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học vùng châu Á (ARBCP) triển khai và điều phối dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Một cán bộ chuyên môn của Lâm trường Đạ Tẻh cho biết: Đạ Tẻh là vùng đất khá phù hợp cho cây tre phát triển, đặc biệt là hai giống tre tầm vông và Mạnh Tông. Lâm trường hiện có gần 50ha tre, và đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân, 1ha trồng được 1.500 bụi tre, năng suất bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 50 tấn tre thành phẩm; với thời giá hiện nay, mỗi ha tre cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
 “Với đất nghèo kiệt ở Đạ Tẻh, nếu không trồng tre thì phải bỏ hoang cho cây dại mọc chứ không thể canh tác được gì thì quả thật là lãng phí. Bởi vậy, tuy mức thu nhập trên 1ha không cao so với nhiều loại cây trồng khác nhưng đó vẫn là con số chấp nhận được đối với đất cằn ở địa phương này” – một cán bộ của Sở NN-PTNT Lâm Đồng phát biểu quan điểm của mình.
Điều đáng nói hơn: Theo dự kiến, sau 5 năm, khi vùng nguyên liệu tre ở Đạ Tẻh đã hình thành, Lâm Đồng sẽ cho xây dựng tại đây một nhà máy chế biến lâm sản có nguyên liệu từ cây tre cùng với việc song song xây dựng một nhà máy chế biến măng tre đóng hộp. Bởi vậy, hiệu quả từ cây tre không chỉ tính riêng ở giá trị của nguyên liệu thô mà còn là hiệu quả có được từ chế biến với hai nhà máy được xây dựng tại vùng nguyên liệu ở 5 năm tới.
Cũng theo Sở NN-PTNT, ngay sau khi ký kết biên bản ghi nhớ, một số doanh nghiệp và người dân được thu hút vào dự án hiện đang triển khai xây dựng các vườn ươm giống tre tầm vông và Mạnh Tông để kịp thời đáp ứng nhu cầu về cây giống vào mùa mưa tới. Cùng đó, trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng và huyện Đạ Tẻh cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong các thủ tục đầu tư để họ kịp triển khai dự án trong năm 2011 này.
Với Đạ Tẻh, tre không phải là cây trồng xa lạ nhưng một dự án có quy mô tạo vùng nguyên liệu ổn định lại là một cơ hội hoàn toàn mới để người dân trong vùng có thêm thu nhập; và đặc biệt, đây sẽ là điều kiện để địa phương hình thành một ngành sản xuất bền vững.

Monday, January 17, 2011

Trồng cà tím giống mới lãi 200 triệu đồng/ha

Thời gian gần đây, cà tím giống mới của Thái Lan VIOLET KING 252 cho năng suất cao, được bà con nông dân ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trồng khá phổ biến. Nhờ trồng loại cây này nhiều gia đình đã giàu lên, tiêu biểu là hộ anh Bùi Đình Tuấn, hiện ở khu phố 4, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, với diện tích 3 ha trồng cà tím, thu nhập 600 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Đình Tuấn cho biết: Cà tím trồng trên nhiều loại đất, ruộng trồng bằng phẳng, thoát nước tốt. Đất được cày xới tơi xốp, làm sạch cỏ, lên luống cao hay thấp tùy thuộc vào vị trí đất, thông thường luống cao 20 – 25cm. Nên phủ tấm màng nilon để hạn chế cỏ dại, hao hụt phân bón và giảm lượng nước tưới.
Anh Tuấn nói, lúc đầu gia đình trồng 2 ha giống cà tím 252, trong quá trình trồng tôi thấy năng suất rất cao, chi phí thấp, tôi quyết định trồng thêm 1 ha nữa. Năng suất trung bình đạt 80 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt đạt 100 tấn/ha/năm, giá bán cà bình quân 3.500 đ/kg, năm qua gia đình thu lãi được 600 triệu đồng.
Chị Hồ Thị Xuân, ở thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng tâm sự: Gia đình em có ít đất, hai vợ chồng thuê được 3.000m2 để sản suất, nếu có nhiều đất trồng cà tím giống mới này thì trúng to. Trồng cà tím thấy cũng dễ trồng, quan trọng khi làm đất cần cày xới tơi xốp, bón vôi bổ sung để tăng độ pH lên 5,5 – 6,5 và cày trộn đều trong đất, phơi ải đất từ 1 -2 tuần để tiêu diệt một số sâu bệnh hại. Trước khi trồng phải bón lót phân chuồng hoai mục (phân bò là tốt nhất) từ 3 – 4 khối phân chuồng, 50 – 100kg lân/1.000m2. Phân bón lót được trải đều trên mặt luống, dùng cuốc xăm đều sau đó phủ một lớp đất mỏng lên mặt luống, tiến hành phủ tấm nilon và trồng cây. Sau khi trồng cần giữ độ ẩm cho cây, tuần đầu ngày tưới từ 1 – 2 lần, sang tuần thứ hai ngày tưới 1 lần. Mùa mưa phải đảm bảo thoát nước tốt, cần lên líp cao tránh ngập úng, cần phải tỉa bớt nhánh, lá già để tập trung dinh dưỡng cho cây, nên tỉa vào lúc nắng ráo.
Chị Xuân tiết lộ, giống cà này sai trái lắm, cần cắm choái, giăng dây nilon nâng đỡ cho cây không đổ ngã, trái không chạm đất, tạo được độ thông thoáng cho cà tím. Về cách bón phân, tùy theo mỗi vùng đất và điều kiện canh tác khác nhau mà bón phân cho hợp lý. Không nên bón phân heo cho cà, cà tím thích hợp với phân KCl và NPK 16 – 16 – 8; nếu đất tốt bỏ N, chỉ dùng P và K. Cà tím bình thường thu hoạch kéo dài từ 6 – 8 tháng, chăm sóc tốt thu hoạch cả năm, cho nên cần bón thúc sau 1 – 2 đợt thu hoạch. Muốn cây cà tím phát triển tốt, năng suất cao, cần làm vệ sinh đồng ruộng thật sạch sẽ, phát hiện bệnh sớm để có thuốc phòng và chữa trị kịp thời.
Chị Dương Thị Linh, ở đường Trần Phú, thị trấn Liên Nghĩa cho biết: Gia đình có truyền thống làm rau màu, trước đây chủ yếu trồng rau xà lách, cải ngọt, bắp cải… Mới đây tôi chuyển đổi 1,2 ha đất sang trồng cà tím 252 (người dân thường gọi là cà tím ruột xanh, giống Thái Lan). Sau khi trồng khoảng 60 – 65 ngày là thu hoạch lứa đầu, thu hoạch rộ cứ 4 ngày hái 1 lần, mỗi lần hái khoảng 5 tấn/ngày, năng suất đạt từ 80 – 100 tấn/ha/năm. Chị Linh vui vẻ khoe, năm nay thu hoạch cà tím sướng lắm, hái cà xong, thương lái tới tận vườn cân không phải mang đi đâu cả. Giá bán dao động từ 3.500 - 4.500đ/kg, tới đây tôi sẽ mở rộng diện tích để trồng loại cây hiệu quả và năng suất rất cao này.
Chị Vòng Ôi Lày, một thương lái người Hoa chuyên thu mua cà tím cho biết: Năm nay bà con nông dân trồng cà tím thắng lớn, năng suất rất cao, giá cả ổn định. Đặc biệt hình dáng và màu sắc của giống cà này rất bắt mắt, trái vừa to, vừa dài có màu tím bóng, ruột màu xanh, ăn rất ngon, được khách hàng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ rất lớn, chủ yếu là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội.

Nhãn Ido, quýt hồng trúng đậm

Miệt vườn cây trái miền Tây, những nhà vườn chân đất trở thành tỉ phú không còn là chuyện hiếm.
Nếu ở “vương quốc” trái cây Tiền Giang nổi tiếng có xoài cát Hòa Lộc, Vĩnh Long có bưởi Năm Roi thì tỉnh Đồng Tháp vang danh cả nước với giống quýt hồng ngọt lịm. Trong mấy năm gần đây ở miệt cù lao An Nhơn, huyện Châu Thành, dân nhà vườn nhanh chóng chuyển hướng trồng giống nhãn Ido, biết điều khiển ra hoa đậu trái bán đúng ngay dịp Tết nên mấy năm liền thắng lợi giòn giã.
Nhãn Ido
“Tới thăm vườn nhãn An Hòa
Hương thơm trái ngọt thật là hữu duyên…”
Nghe thơ tự trào của dân nhà vườn và các cán bộ khuyến nông ở miệt cù lao An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) như níu chân du khách phương xa nếu mai kia mở mũi kết hợp làm du lịch nhà vườn. Một cù lao trồng cây ăn trái quanh năm lênh đênh giữa sông Tiền đẫm màu xanh mượt mà. Đi theo quốc lộ 1 từ Tiền Giang hướng về qua cầu Mỹ Thuận rẽ phải theo quốc lộ 80 chẳng mấy chốc tới thị trấn huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Từ đây có đường rẽ xuống phà, xe ô tô bốn bánh dễ dàng sang bên kia sông là đất cù lao.
Trên suốt con đường láng xi măng, cầu bê tông nối thông thương băng qua những vườn nhãn bạt ngàn, hương thơm ngào ngạt. Bây giờ là thời điểm hái trái. Mùa trái bắt đầu từ cuối tháng 11 bước sang tháng chạp cũng là lúc thương lái tứ xứ gọi nhà vườn đặt hàng. Ông Út Hiện (Phạm Hữu Hiện) một trong những nhà vườn chuyên canh nhãn Ido với 3ha ở ấp An Hòa, xã An Nhơn vừa bán xong đợt nhãn lứa đầu. Ông Út Hiện vui vẻ dẫn chúng tôi ra tận sau vườn thấy tận mắt, nói mới tin.
“Mùa này tôi với bà con trong xóm làm theo qui trình Việt GAP, xử lý cho nhãn ra hoa từ cách đây 7 tháng để nhắm bán trái đúng vào dịp Tết cho thị trường TP.HCM và Hà Nội. Nhờ chuẩn bị chu đáo nên năm nay thắng lớn. Năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Nhãn Ido thắng là do chất lượng cơm dày, hạt nhỏ, ngọt dịu. Năm nay tôi làm thương hiệu nhãn “Út Hiện” dán bên ngoài thùng. Người mua tin dùng lắm, vì chúng tôi đảm bảo sản phẩm an toàn không có dư lượng thuốc trừ sâu. Nhờ vậy nhãn Ido không đủ bán, trong đó giao hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất chuyển ra Hà Nội số lượng tiêu thụ chiếm tới 60%. Hiện thời nhãn Ido bán được giá, từ 20.000đ/kg trở lên. Nhãn loại 1 cao nhất 40.000đ/kg, trong khi Tết năm ngoái giá cao nhất chỉ 30.000đ/kg. Với mức giá này nhà vườn lãi từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha”, Út Hiện nói.
Trên cù lao An Nhơn đất phù sa mỡ gà tươi tốt với hơn 3.000ha, trong đó vườn chuyên canh giống nhãn Ido chiếm gần 300ha, sản lượng cung ra thị trường gần 600 tấn/năm. Số lượng còn khiêm nhường nhưng không ngại đụng hàng trái cây cùng loại. Nhờ đó mà Tết này dân trồng nhãn Ido như được tổ đãi… trúng độc đắc.
Vườn quýt bạc tỉ
Từ nhiều năm qua mỗi khi Tết đến, dân mua trái cây ở miền Tây hay Sài Gòn, người ta thường dõi theo “sức khỏe” mùa vụ quýt hồng ở Lai Vung (Đồng Tháp) để đoán biết nhiều ít, giá cả ra sao. Quýt hồng bắt mắt nhờ màu sắc tươi đẹp, trái tròn đầy đặn nên thường trưng bày trên mâm ngũ quả ngày Tết thật đẹp. Trong nhiều năm qua, huyện Lai Vung đã hình thành nên vùng vườn cây chuyên canh quýt hồng ở khắp các xã Long Hậu, Long Thắng, Long Thành, Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới, với tổng diện tích khoảng 1.200 ha. Đặc biệt quýt hồng còn là thế mạnh kinh tế vườn của huyện. Trồng quýt lợi nhuận cao gấp 10 đến 20 lần so với trồng lúa và là một trong những loại trái cây tiêu thụ đắt hàng vào dịp Tết.
Có lẽ vì lý do đó mà độ ngoài mùng 5 tháng chạp, bạn hàng thương lái thành phố và các tỉnh trong vùng về rảo quanh khắp nẻo nhà vườn. Con đường quê vào ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, trở nên rộn ràng. Nhà nhà vui tươi, đầm ấm, cảm giác Tết đến thật gần. Lách ra phía sau dãy nhà ven sông, chúng tôi như bị mê hoặc bởi “rừng” quít hồng trùng điệp, trĩu quả đẹp như tranh. Ngồi trong vườn nhà mát rượi rộng 1,3ha, anh Út Bích (Lê Ngọc Bích) ấp ủ hy vọng: Mấy ngày qua mối lái tới trả giá mua tại nhiều nhà vườn quanh đây từ 16.000-17.000 đồng/kg, nhưng nay đã lên 18.000đ/kg, cao hơn hồi này dạo Tết năm ngoái 4.000-5.000đồng/kg. Tuy chi phí bỏ ra hơi nặng nhưng năm nay tôi vui lắm khi vườn nhà sai quả đơm đầy. Ước chừng năng suất có tới 70 tấn/ha, cao hơn năm ngoái 20 tấn/ha. Thiệt tình hay hổng bằng hên, nhưng cũng nhờ tui biết cách đối phó, xử lý đúng cách trong lúc gặp hạn El Nino vào thời điểm cây ra hoa tháng 2, tháng 3, giữ trái không rụng”.
Nhà vườn trồng quýt phải thời trúng giá ngay dịp Tết thu bạc tỉ là vậy, nhưng thực ra chẳng dễ ăn. O bế cây trái ròng rã cả năm trời, tới thời khắc quyết định mà để quýt chín sớm hay chín trễ ra sau Tết là mất giá ngay. Nhiều nhà vườn giỏi nghề trồng quýt ở Lai Vung thừa nhận, trồng quít hồng cũng tựa như nghề trồng hoa ở Sa Đéc bán chợ Tết vậy. Nghĩa là “5 ăn, 5 thua”, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Nhưng nhìn những dãy nhà tường mái ngói, mái tôn lấp lánh trị giá hàng trăm triệu, bạc tỉ ven sông Lai Vung cũng đoán được ít khi có nhà vườn trồng quýt xứ này bị lỗ bao giờ. Anh Út Bích thừa nhận: Với thời giá mùa quýt Tết này nhà vườn khấp khởi. Tụi tui chỉ về nhà rước ông Táo ăn Tết trước lúc giao thừa mấy tiếng đồng hồ. Mồng một Tết cũng chở hàng ra chợ khi điện thoại réo đặt hàng...

Wednesday, January 5, 2011

Trị bệnh thối trái ớt dùng thuốc gì

Ở nước ta, nông dân trồng nhiều giống ớt, trong đó, phổ biến nhất là giống ớt sừng trâu (trái dài) và giống ớt chỉ thiên (trái nhỏ). Tuy nhiên, giống ớt chỉ thiên ít bị bệnh thối trái (nổ trái) do nấm: Colletotrichum spp, như ớt sừng trâu.

Bệnh thán thư lây lan mạnh vào mùa mưa, vì bào tử của nấm từ cây bệnh nhờ nước mưa phát tán khắp nơi. Bào tử nấm bệnh thán thư phát triển thuận lợi và dễ dàng xâm nhiễm vào trái ớt trong điều kiện ẩm độ từ 80 - 100 % và nhiệt độ từ 25 - 30 0C. Vết bệnh điển hình trên trái có dạng hơi tròn đến bầu dục, hơi lõm vào thịt trái, bệnh càng nặng vết lõm càng rộng, màu nâu xung quanh, ở giữa màu vàng cam đậm và có nhiều vòng đồng tâm.
Muốn phòng trị bệnh thán thư trái ớt một cách hiệu quả phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, trong đó biện pháp canh tác là rất quan trọng:
- Trước khi trồng cần thu gom cây, trái ớt hay cà chua của vụ trước, đem tiêu hủy để tránh làm nguồn bệnh lây lan cho vụ sau.
- Phủ bạt nilon trên mặt liếp trồng để hạn chế sâu bệnh hại từ đất bắn lên cây.
- Chọn giống sạch bệnh, ngâm hạt giống với dung dịch thuốc Carbenzim 50WP (pha 20 - 30 gr thuốc / 10 lít nước) trong 5 phút vì nấm bệnh thán thư có khả năng lan truyền qua hạt giống.
- Trồng ớt ở mật độ thích hợp, tránh trồng dầy vì sẽ tạo ẩm độ cao trong tán cây ớt là điều kiện cho nấm bệnh phát triển.
- Sử dụng phân bón hợp lý, tránh bón phân thừa đạm
- Khi cây ớt bắt đầu ra hoa đậu trái, không được tưới nước phủ từ trên tán cây xuống để tránh lây lan phát tán bào tử nấm. Cắt bỏ những nhánh ở dưới thấp, ngắt bỏ lá chân và những trái ớt ở gần mặt đất, vì đó sẽ là nơi giúp bào tử nấm bệnh "bắc cầu" để lây lan từ mặt đất lên cây. Nên sử dụng biện pháp tưới thấm, tưới gốc cho cây ớt.
- Sử dụng thuốc hoá học là biện pháp cuối cùng. Nấm bệnh thán thư cũng xâm nhiễm qua vết thương của côn trùng, vì vậy, cần phun thuốc trừ sâu (có thể sử dụng thuốc Dragon 585 EC hoặc Pyrinex 20 EC) để tránh sự gây hại của sâu ăn tạp.
Phun thuốc trừ nấm bệnh thán thư có thể áp dụng qui trình sau đây:
+ Lần 1 (trước khi cây bắt đầu ra hoa): Sử dụng thuốc tiếp xúc như Dipomate 80WP hoặc Cadillac 80WP với liều lượng 25 - 30 gr / bình 8 lít nước, phun đẫm lên tán lá.
+ Lần 2 (khi cây hình thành trái non) : Cũng sử dụng 1 trong 2 loại thuốc trên.
+ Lần 3 (cách lần phun thứ hai 7 ngày): Sử dụng thuốc Bendazol 50WP, liều lượng 10 - 15 gr / bình 8 lít nước, phun đẫm lên tán lá và trái ớt, đây là thuốc lưu dẫn vào trong cây và hiệu quả cao đối với nấm bệnh thán thư.
+ Lần 4 (cách lần phun thứ ba 7 - 10 ngày) : Phun thuốc Bendazol 50WP pha với Dipomate 80WP hoặc Cadillac 80WP để tránh hiện tượng nấm bệnh kháng thuốc.
+ Lần 5 (cách lần phun thứ tư 7 - 10 ngày) : Sử dụng thuốc Hạt vàng 250 SC với liều lượng 10 cc - 15 cc / bình 8 lít nước.
+ Những lần phun thuốc sau (nếu cần thiết): Có thể chuyển sang các thuốc có gốc Tebuconazole hoặc Chlorothalonil (Lý do chuyển đổi gốc thuốc là để tránh hiện tượng nấm bệnh kháng thuốc và giữ được hiệu quả của thuốc đối với nấm bệnh).
- Lưu ý: Khi phát hiện vết bệnh thán thư trên trái, cần ngắt bỏ, thu gom và tiêu hủy tất cả trái bị nhiễm để tránh lây lan mầm bệnh trong ruộng ớt. Mặt khác, sau cơn mưa đêm, nên tưới xả nước (tưới rửa) cho cây ớt vào sáng hôm sau và sử dụng thuốc Dipomate 80WP phun ngừa.

Sunday, January 2, 2011

Phòng trừ bệnh Panama cho chuối

Bệnh héo rũ Panama của chuối do nấm Fusarium oxysporumf sp.cubense gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây.Đây là một loại bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của chuối.
Triệu chứng:
Cây chuối bị nhiễm bệnh Panama thường có hiện tượng vàng từ lá già bên dưới sau lan dần lên các lá non. Triệu chứng vàng phát triển từ bìa lá và lan vào hướng gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Trên các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng bị héo úa.
Cây bệnh chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc, các chồi con vẫn phát triển chung quanh nhưng sau đó cũng bị héo rụi. Cắt ngang thân giả sẽ thấy các bó mạch bị đổi màu nâu vàng, cắt ngang thân thật (củ chuối) các mạch có màu đỏ nâu và bốc mùi hôi.
Nấm bệnh lưu tồn trong đất và các cây bệnh. Nấm có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu theo cây chuối con và đất có mang mầm bệnh. Nấm bệnh xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc qua vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong mạch mọc làm cho cây bị vàng héo.

Bệnh thường gây hại nặng trên chuối xiêm, chuối dong.

Biện pháp phòng:
- Nên chọn đất có độ pH hoà và hơi kiềm để trồng chuối.

- Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống, gọt sạch rễ và đất ở gốc trước khi trồng.

- Nên bón vôi vào các hố trồng, có thể nhúng gốc chuối con vào dung dịch Bordeaux hay các thuốc gốc đồng như: Funguran, COC 85, Kocide...

- Khi phát hiện cây bệnh nên đào bỏ các gốc bệnh và rải vôi khử đất.

- Nếu vườn chuyên canh chuối mà bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh.

- Tưới thuốc vào đất ở các vườn chuối con bằng các loại thuốc như Bendazol 50WP, Viben 50BTN, Fudazole 50WP...

- Vườn bị bệnh nặng nên đổi trồng các giống chuối khác không mắc bệnh như chuối cau, chuối cơm, chuối già hương...