Wednesday, March 16, 2011

Một số điểm kỹ thuật trồng Bơ

Trong kỹ thuật canh tác cây bơ, vấn đề chọn giống và phối hợp giống là vấn đề cần có nghiên cứu ứng dụng và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Như đã trình bày, tất cả các giống bơ (phần lớn) hiện đang cho thu hoạch là những giống lai, giống phân ly; do đó phải nghiên cứu tập tính nở hoa để bố trí giống thích hợp thuộc hai nhóm A và B, là công tác phải được tiến hành ngay để có thể phát triển nghề trồng bơ trong những năm tới. Tuy nhiên, một số điểm kỹ thuật chung có thể nêu ra như sau:

* Khoảng cách trồng: tuỳ theo chủng và giống đối với chủng Antilles và những giống lai, có thể trồng ở khoảng cách khá thưa: 8x8m hoặc 10x10m.

* Vấn đề xen canh: vào những năm bắt đầu trồng bơ, khi cây bơ toả tán chưa rộng, có thể trồng xen rau đậu nhưng không nên trồng cà chua, khoai tây vì nấm Verticilium có thể lan truyền cho cây bơ.

* Biện pháp giữ ẩm: giai đoạn còn nhỏ, bộ rễ bơ ăn cạn, cho nên vấn đề tưới giữ ẩm và phủ gốc là cần thiết để bơ không bị chết do nóng khô vào mùa nắng; nhất là đối với những vườn bơ trồng bằng cây ghép. Tốt nhất nên tưới phun và không nên tưới đẫm vào gốc.

* Bón phân: Tuỳ tuổi của cây giai đoạn cây còn nhỏ có thể bón theo công thức N - P2O5 - K2O với tỷ lệ 1-1-1. Ở cây lớn nên tăng tỷ lệ K2O và N lên theo tỷ lệ 2-1-2. Trước khi trồng và trong những năm đầu, nhất thiết phải bón phân chuồng hoai 10-20 tấn/ha.

* Vấn đề tạo tán: Tiến hành từ nhỏ đối với những giống cây cao để tạo dáng cây không cao quá 6m và cành toả đều về các phía. Việc cắt xén cành khô, cành vượt cũng phải thực hiện sau mùa thu hoạch để giúp cây sinh trưởng bình thường và ngăn ngừa không cho sâu bệnh lan tràn.

* Trồng cây chắn gió: thân cành bơ rất dòn, dễ gẫy, nên vấn đề trồng cây chắn gió rất quan trọng. Thường dùng cây dương liễu: (Casuarina equisetifolia) trồng dày cách hàng bơ bìa 6m để che gió và giúp cho đất thêm nhiều chất dinh dưỡng.

A. SÂU BỆNH
1. Sâu: Trên bơ có nhiều loài sâu hại:

- Sâu cuốn lá (Gracilaria percicae Busk): bướm thường đẻ trứng trên lá mới ra, trứng nở thành sâu và lớn dần lên theo lá, nhưng thông thường nhất là sâu nhả tơ cuốn lá lại để làm tổ. Sâu dài khoảng 10mm, xanh và có những lằn ngang không rõ rệt. Trưởng thành, sâu làm nhộng trong các tổ lá, nằm yên 5-7 ngày rồi vũ hóa.

Dùng các loại thuốc trừ sâu nội hấp để phun diệt trừ. Nếu có điều kiện, trước khi phun thuốc, nên gỡ bỏ các tổ lá do sâu cuốn lại để tăng thêm hiệu lực của thuốc.

- Sâu cắn lá: có rất nhiều loài, có hai loài đã được định danh là Seirarctia echo và Feltia subterrania F. Sâu ăn trụi lá làm chết cây con và làm giảm sức tăng trưởng cây lớn. Có thể tìm thấy sâu trên lá, trên cành hoặc vỏ thân cây. Ban ngày, sâu ẩn núp dưới gốc cây, đêm đến bò ra phá hại.

- Rầy bông (Pseudococcus citri Risse): rầy thường xuất hiện vào mùa mưa, chích hút nhựa lá và đọt non, quả non làm cây giảm sức tăng trưởng.

2. Bệnh: là đối tượng bảo vệ thực vật quan trọng trên cây bơ, gồm các bệnh hại sau:

- Bệnh thối rễ: do nấm Phytophthora cinnamoni gây ra, ở những chân đất có thuỷ cấp cao, nấm xâm nhập làm hư rễ chính (rễ cọc), sau đó nấm lan tràn phá huỷ cả bộ rễ làm cây chết rụi. Cây bị bệnh có tán lá xơ xác, lá đổi sang mầu xanh nhạt rồi rụng. Cành chết dần từ ngọn xuống thân chính.

Biện pháp phòng trừ:

- Chọn giống ghép và gốc ghép chống chịu bệnh. Không dùng hạt giống bị nhiễm bệnh và vườn ươm giống phải tuân thủ các biện pháp phòng chống bệnh phát sinh và lan tràn.

- Trồng bơ trên các loại đất có kết cấu tơi xốp, tầng đất canh tác đủ sâu, rút nước nhanh khi mưa.
- Tuyệt đối không dùng nước từ những vườn bơ bị bệnh để tưới.
- Phải tẩy uế nông cụ kỹ càng.
- Phát hiện kịp thời những vết thối trên thân, cạo sạch và quét sulfate đồng - vôi đặc. Khi cây chết vì bệnh, nên đào và huỷ bỏ để bệnh không lan tràn.

- Bệnh đốm lá (Cerocospora purpurea): bệnh hại lá và trái, nấm bệnh xuất hiện rải rác trên lá có hình dạng và kích thước gần giống nhau, hình có góc cạnh hoặc hơi tròn, mầu nâu. Những đốm này cũng có thể liên kết lại với nhau thành những mảng. Trên trái bệnh tạo nên những mụt lồi cỡ 5mm, có mầu nâu nhạt đến nâu đậm. Trái bị bệnh mất giá trị. Bệnh tồn tại trên lá già để phát tán khi có điều kiện thích hợp.

- Bệnh khô cành (Colletotrichum cloeosporiodes): nấm xâm nhập vào trên cành thường làm cành khô chết. Trên trái đã già, gần chín, nấm thường xâm nhập vào những chỗ do trái cọ sát hoặc bị thương tích hoặc do công trùng chích hút, ăn vỏ quả, làm cho trái bị nhũn (thường là ở phần cuối trái).

- Bệnh héo rũ: (Verticillium albo - atrum): cây bị nhiễm nấm thường đột nhiên bị héo lá trên một phần cây hoặc khắp cây. Lá bị chết rất nhanh, đổi thành vàng nhưng lá khó rụng. Nếu lột vỏ của cành hoặc rễ cây đã chết sẽ thấy những đường sọc mầu nâu ở phần tiếp giáp vỏ và gỗ. Sau thời gian vài tháng, mầm non phát sinh trở lại trên những nhánh chưa chết và trong vòng một hoặc hai năm, cây sẽ sống trở lại bình thường và không còn triệu chứng gì cả. Nấm tồn tại trong đất và gây bệnh cho nhiều loại thực vật ở bất cứ tuổi nào. Cây bệnh có thể chết luôn hoặc sống trở lại, đối với những cây bị bệnh một phần thì phần bệnh không thể cho trái trong vòng một hoặc hai năm. Thường áp dụng các biện pháp phòng trừ như sau:

- Dùng thuốc hóa học.
- Cắt xén kỹ khi cây vừa có triệu chứng bệnh, sau khi cây bị bệnh phục hồi, cắt bỏ những nhánh nhỏ, chết.
- Không dùng cành tháp của những cây đã bị bệnh, nên dùng gốc ghép là những giống thuộc chủng Mexico.

- Không nên xen canh hoặc luân canh bơ với các cây họ cà,...
- Không trồng cây trên đất kém thông thoáng, ẩm thấp và úng thuỷ.

B. THU HOẠCH VÀ SỬ DỤNG

Cây ươm hạt bắt đầu có trái sau khi trồng được 5 hoặc 7 năm. Cây tháp bắt đầu cho trái bói sau khi trồng 1 đến 2 năm, nhưng không nên duy trì để thu hoạch quả những năm đầu (3 năm trở lại); đến năm thứ 4 chỉ để một số trái tương xứng với hình vóc của cây; và năm thứ 5 khi tiềm lực cây đủ cho năng suất thì không tỉa bỏ trái nữa mà chỉ áp dụng cho những giống có khuynh hướng ra trái quá sức như Booth 8 chẳng hạn.

Sau khi cây trổ hoa được từ 6 -12 tháng thì trái chín, thời gian này tuỳ theo giống. Năng suất cũng biến thiên rất nhiều theo giống, nhưng năng suất bình quân thường 8-20 tấn/ha. Việc tiến hành thu hoạch, thời điểm hái trái sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phẩm chất cũng như điều kiện bảo quản, vận chuyển. Thông thường dựa vào màu sắc của da, nhưng ở Califorlia, người ta giám định hàm lượng dầu trong cơm.

Trái bơ có thể bảo quản lạnh hoặc ở nhiệt độ thường. Thông thường các giống bơ có thể bảo quản lạnh ở nhiệt độ 7 độ C, nhưng những giống thuộc chủng Antilles phải được bảo quản ở nhiệt độ cao hơn 12 độ C.

Trái bơ được sử dụng bằng nhiều cách, cách giản dị nhất là ăn với đường, sữa hoặc muối tiêu. Trái bơ còn được dùng như món rau salade hoặc trộn với rau diếp, đậu, cà chua, tương ớt... Trái bơ còn được cắt ra trộn vào canh để ăn khi còn nóng rất ngon. Trái bơ không thể để lâu hoặc đóng hộp được, tuy nhiên người ta còn dùng trái bơ để làm kem.

Trong kỹ nghệ, dầu trái bơ được dùng làm xà phòng hảo hạng và các loại mỹ phẩm cao cấp.
LIÊN HIỆP KHOA HỌC - SẢN XUẤT ĐÀ LẠT
Nguồn: Thông tin khoa học, công nghệ Lâm Đồng, số 3.1993

Trúng đậm vụ sầu riêng

Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang, sầu riêng đang vào vụ thu hoạch và có giá cao nên nhà vườn hết sức phấn khởi. Các giống sầu riêng chất lượng cao: Ri6, Monthong... đang được thương lái thu mua 30.000 đ/kg trở lên tùy thời điểm, cao hơn cùng kỳ năm trước trên 20%.
Theo ông Đặng Văn Trương, một nông dân giỏi chuyên canh sầu riêng tại xã Long Tiên, Cai Lậy, với giá trên, mỗi ha sầu riêng cho nguồn thu kỷ lục: 400 – 500 triệu đồng/ha. Tỉnh Tiền Giang hiện có trên 5.000 ha chuyên canh sầu riêng trong đó có khoảng 3.500 ha đang cho trái, tập trung tại các xã nằm ven sông Tiền của huyện Cai Lậy: Long Trung, Long Tiên, Tam Bình, Ngũ Hiệp, Hội Xuân... Đây cũng là địa phương có diện tích sầu riêng trồng tập trung lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất bãi bồi phù sa mầu mỡ ven sông, dễ chăm sóc và cho năng suất cao, có giá trị kinh tế lớn, cây sầu riêng được xác định là một trong 7 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Sầu riêng trồng tại đây chỉ sau 4 năm tuổi đã cho thu hoạch và 5 – 6 năm năng suất ổn định ở mức 30 – 40 tấn/ha.
Để giúp nhà vườn phát huy lợi thế cây sầu riêng tăng thu nhập, ổn định cuộc sống đồng thời tiến đến làm giàu, tỉnh Tiền Giang qui hoạch các vùng trồng tập trung theo ngưỡng hàng hóa chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến, khuyến cáo tuyển chọn giống tốt có chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu thị trường. Với giá sầu riêng tăng cao ngay từ đầu vụ, năm 2011 hứa hẹn những nhà vườn chuyên canh sầu riêng sẽ lên hương.

Wednesday, March 9, 2011

Trồng dứa cảnh

Nhiều địa phương của vùng ngập mặn huyện Tân Phước (Tiền Giang) đang triển khai mô hình trồng dứa phụng, một loại cây cảnh rất được thị trường ưa chuộng. Hiệu quả kinh tế từ loại cây này đã mở ra một hướng thoát nghèo mới cho người nông dân.
Dứa phụng (hay còn gọi là phụng cảnh) có hình như chim phượng hoàng, phân thành nhiều tầng, nhánh đủ màu sắc, được dùng làm cây cảnh hoặc chưng trong các mâm ngũ quả.
Nở hoa trên đất phèn
Tân Phước vốn là vùng đất chiêm trũng bị nhiễm phèn nặng của Đồng Tháp Mười. Thiên nhiên khắc nghiệt đã khiến cuộc sống người dân nơi đây thêm nỗi nhọc nhằn, vất vả. Người dân phải bôn ba khắp chốn để tìm hướng đi phát triển kinh tế, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn đeo đẳng mảnh đất chua, phèn bao đời nay. Những năm gần đây, ở Tân Phước xuất hiện nghề trồng dứa phụng, loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Người đầu tiên đưa giống dứa “lạ” này về trồng là ông Hà Văn Bảy (SN 1940, ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, Tân Phước). “Vùng này quanh năm ngập nước chua mặn, chỉ có một vài cây trồng có sức chống chịu là sống được. Tình cờ tôi được một người thân ở Hậu Giang cho giống dứa cảnh, có hình thù đẹp, màu sắc lạ mắt nên đưa về trồng thử. Cây phát triển tốt trong điều kiện đất phèn chua mặn”, ông Bảy cho biết. Giống dứa phụng trồng rất công phu, đòi hỏi chế độ chăm sóc tỉ mỉ, đúng kỹ thuật mới cho trái đẹp, nhiều tầng nhánh có màu sắc lạ.
Ban đầu ông Bảy chỉ có ý định trồng chơi, bởi không kiếm được đầu ra cho giống cây cảnh lạ này. Nhưng chỉ qua hai mùa vụ, thương lái từ TP. Mỹ Tho đã xuống tận vườn nhà ông để đặt hàng. “Họ cần dứa phụng với số lượng lớn và trả giá rất cao cho những cây hoa đẹp, có hình dáng độc đáo. Dứa phụng được chia thành ba loại với ba mức giá khác nhau tùy vào số lượng nhánh con ở các tầng. Dứa loại I có giá trên 150.000 đồng/trái, loại II, loại III thì thấp hơn từ 50.000 – 100.000 đồng/trái”, ông Bảy nói. Với hơn bốn công đất canh tác dứa phụng, mỗi năm ông Bảy thu về gần trăm triệu đồng.
Từ một vài hộ trồng dứa phụng, đến nay toàn xã Thạnh Mỹ có gần sáu mươi hộ tham gia, trong đó tập trung chủ yếu ở ấp Mỹ Lộc. Dẫn chúng tôi đến thăm vườn dứa phụng của anh Nguyễn Hữu Soi (ấp Mỹ Lộc), một cán bộ nông nghiệp xã cho biết, trước đây vốn là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, bị bỏ hoang lâu ngày. Năm 2004, anh Soi cùng gia đình đến đây xin khai hoang và trồng dứa phụng. Qua gần sáu năm vật lộn, cải tạo đất, gia đình anh đã gây dựng nên một cơ ngơi khá giả giữa vùng sình lầy, ngập mặn. Anh Soi tâm sự: “Gia đình tôi có gần hai công đất trồng phụng cảnh. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư chăm sóc, phân bón, tôi cũng thu về hơn 40 triệu đồng/năm. Sắp tới tôi dự định sẽ mở rộng diện tích canh tác và học hỏi thêm các khâu kỹ thuật lai, ghép tạo ra các loại dứa phụng có hình dáng độc. Phần diện tích trồng dứa thường sẽ dần được thu hẹp”.
Thấy được hiệu quả kinh tế của phụng cảnh, người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng phụng cảnh. Hiện nhiều diện tích ngập mặn, nhiễm phèn ở Thạnh Mỹ và các xã lân cận đang được cải tạo thành những vườn phụng cảnh đầy màu sắc.
Thương hiệu dứa phụng Tân Phước
Theo phòng NN & PTNN huyện Tân Phước, trong dịp tết Tân Mão vừa qua, cả huyện có hơn 1.200 chậu dứa phụng đạt chất lượng cao được thương lái đến đặt hàng, thu mua. Hiện phòng NN huyện đang phối hợp với Sở KHCN nghiên cứu, nhân rộng giống dứa phụng. Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật và con giống, phòng NN còn cung cấp phân bón và tập huấn nông dân các biện pháp chăm sóc, tạo nhánh, tạo cành…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ cho biết: “Dứa phụng là loại cây trồng mới, lạ nhưng cho hiệu quả kinh tế cao và đang trở thành cây trồng chủ lực của xã. Phụng cảnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chúng tôi đang có dự định xây dựng một vùng chuyên canh về phụng cảnh”. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp từ TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu… xuống liên hệ với địa phương để thành lập các vườn trồng phụng cảnh chất lượng cao. Nhưng đây là một loại giống hiếm, có nguồn gốc ngoại nhập nên kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian. Xã đang phối hợp với phòng nông nghiệp huyện nghiên cứu lai tạo và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, ông Thọ nói thêm.
Trồng phụng cảnh đã mở ra một hướng phát triển mới cho người dân ở vùng phèn, mặn Tân Phước. Nhưng để cây dứa “độc” này có chỗ đứng trên thị trường, cần có một thương hiệu. Người dân và chính quyền Tân Phước đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho loại dứa lạ này, nó sẽ là một cú hích về phát triển kinh tế cho toàn huyện.

Friday, March 4, 2011

Trồng su su, lãi ròng 300 triệu/ha/vụ

Thu nhập nói trên hiện không dừng lại trong phạm vi một mô hình trình diễn mà đã trở thành phổ biến tại hàng trăm hộ gia đình thuộc xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Từ hiệu quả thu được của 79 ha trong năm 2010, năm nay diện tích su su tại xã Quỳnh Liên đã tăng lên trên 100 ha. Năm nay, toàn xã ước tính có thể có tổng thu nhập trên dưới 30 tỷ đồng từ trồng su su.
Chúng tôi đến xã Quỳnh Liên và rất ngạc nhiên khi thấy những dàn su su xanh biếc nối tiếp từ nhà này sang nhà khác. Dọc trục đường liên xã, xe tải mang biển số 29, 30, 31 và 37 đang chờ sẵn để "ăn" hàng. Ông Hồ Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên phấn khởi cho biết: Toàn xã hiện có 702 ha đất các loại, trong số đó chỉ có gần 300 ha đất nông nghiệp. Trước đây đất nông nghiệp chủ yếu trồng lạc và khoai lang. Do đất cát pha ven biển bạc màu nên năng suất lạc chỉ dừng lại ở mức 70 đến 90 kg/sào, năng suất khoai lang cũng thấp.
Từ năm 2003 trở về trước, bà con đã buộc phải chuyển một số diện tích sang trồng đậu leo, dưa chuột, cà rốt, cà chua… nhưng năng suất và hiệu quả vẫn thấp. Vụ đông xuân 2003, trong xã có 4 - 5 hộ tự phát đưa giống su su từ ngoài Bắc về làm thử. Ai ngờ cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với các loại cây hoa màu trước đó. Thấy vậy, bà con bắt đầu làm theo khiến diện tích su su được nhân rộng ra toàn xã. Thế nhưng, sản phẩm của bà con làm ra đã không có đầu ra…
Điều may mắn là năm 2009, được dự án CRS tài trợ, cán bộ xã Quỳnh Liên cử đoàn công tác ra Hà Nội để tìm kiếm thị trường. Nhờ đó, sản phẩm su su Quỳnh Liên đã tiếp cận và được 4 chợ đầu mối (Dịch Vọng, Long Biên, Thường Tín và Đền Lừ) đón nhận với tư cách là một loại rau sạch. Từ đó tạo đà cho dân Quỳnh Liên mở rộng diện tích biến cây su su trở thành một loại cây hàng hóa của địa phương có thị trường và thu nhập ổn định.
Anh Lê Văn Đồng, Trưởng ban Nông nghiệp xã Quỳnh Liên, một trong những đầu mối thu mua sản phẩm su su tại địa phương cho biết: Trước năm 2009, toàn xã chỉ có 4 đầu mối chuyên thu gom, tiêu thụ quả su su cho dân. Năm 2010 đến nay, toàn xã đã có 18 đầu mối thu gom sản phẩm su su đưa ra Hà Nội. Điều làm cho người tiêu dùng yên tâm làn sản phẩm su su Quỳnh Liên không hề sử dụng bất cứ một loại thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng nào, luộc chín trong ruột vẫn còn xanh nên được người tiêu dùng Hà Nội đánh giá cao. Năm 2010, bình quân mỗi ngày các đầu mối thu gom được 60 tấn quả. Giá thời điểm cao nhất 5.000 đồng/kg. Lúc thấp nhất vẫn đạt 800 đồng/kg. Năm nay, do trời rét nên chỉ thu mua được bình quân 50 tấn quả/ngày. Trước Tết Nguyên đán Tân Mão cũng đạt mức 5 - 6 nghìn đồng/kg. Giá su su chỉ giảm xuống trên dưới 1.000 đồng/kg và dịp Tết do không có ai thu gom và vận chuyển ra Hà Nội được nên chỉ tiêu thụ trong và ngoài huyện. Hiện đang giữ mức bình quân 2.000 đồng/kg…