Tuesday, December 28, 2010

Gột dê

Có dịp về xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội nghe chuyện nhiều người làm nghề nuôi vỗ béo dê thịt để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn cho thu nhập khá tôi quyết định tìm hiểu cái công việc mà bà con ở đây quen gọi là nghề gột dê.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Lưu Văn Hiền ở xóm Đìa, khi ông đang cưỡi “con rim” Thái mới mua đuổi đàn dê gần 20 con lên chăn trên đồi cây sau làng. Ông Hiền kể: Nói là mới nhưng nghề này đã xuất hiện ở làng ngót nghét ba chục năm kể từ năm 1983. Bình Minh là xã thuần nông, vùng bán sơn địa, vừa có ruộng, vừa có đồi rừng thuận tiện cho việc chăn thả gia súc, đặc biệt là nuôi vỗ béo dê theo kiểu bán chăn thả kết hợp nuôi nhốt vừa để tận dụng sức lao động của các cháu, vừa có nguồn thức ăn xanh từ cỏ cây, phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, tiết kiệm chi phí rất có hiệu quả.
Theo ông Hiền, nuôi gột dê không khó, chỉ cần biết cách và chịu khó là được. Mua dê gầy, yếu ở các tỉnh miền núi giá rẻ về tẩy giun, sán, tập trung chăm sóc, vỗ béo trong vòng từ 1 đến 4 tháng tùy độ tuổi và sức khỏe của đàn dê để rồi bán dê thịt với giá cao, đầu tư thấp mà thu nhập lại rất cao. Mỗi năm ông nuôi từ 3-4 lứa, lứa ít nhất vài chục con, lứa nhiều nhất lên tới 85 con như lứa vừa xuất bán tháng trước; năm ít thu lãi vài chục triệu, năm nhiều tới bốn, năm chục triệu đồng.
(Thông tin chi tiết xin xem trên Báo NNVN số 259 ra ngày 29/12/2010)

Monday, December 20, 2010

Giàu nhờ… dê!

Ngồi dưới tán cây tràm già, chỉ tay về phía đàn dê béo nục đang nhởn nhơ gặm cỏ, giọng anh Chín Nông Sơn đầy phấn khởi: “3 năm trở lại đây, nhờ nó mà cuộc sống của vợ chồng tui mới khấm khá lên được. Nếu cứ bám riết với mấy sào lúa không chủ động nước tưới ấy thì chắc nghèo cũng sẽ hoàn nghèo”.
Nhà nằm sát triền núi với một thảm thực vật phong phú, lại có trong tay cuốn cẩm nang hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật chăn nuôi dê, cuối tháng 3 năm 2007 anh Chín ôm 30 triệu đồng dành dụm bấy lâu vào Ninh Thuận mua 15 con dê giống (13 cái và 2 đực) về thả trên khu rừng keo lai rộng lớn của mình.
Thời tiết không khắc nghiệt, nguồn thức ăn trong tự nhiên dồi dào, cần mẫn chăm sóc, đàn dê của anh Chín Nông Sơn phát triển rất tốt. Cuối năm đó, 13 con dê cái đồng loạt có chửa. Và 5 tháng sau, vợ chồng người nông dân 43 tuổi này đón 26 con dê con ra đời. Anh Chín nhớ lại: “Nuôi bầy dê con đầu tiên ấy được chừng 17 tháng thì có một chủ quán nhậu nổi tiếng ở Tam Kỳ lên gạ mua trọn gói với tổng số tiền 35 triệu đồng nên tôi đồng ý bán để lấy tiền mở rộng quy mô trang trại”.
Theo anh Chín Nông Sơn, dê là loài vật nuôi rất… thèm đẻ. Chỉ sau 10 ngày sinh con là nó lại động dục, vì vậy mỗi năm 1 con dê mẹ đẻ được hai lứa, mỗi lứa khoảng 2-3 con dê con. Anh Chín Nông Sơn nhẩm tính: “Cứ bán lứa này lại nuôi giâm lứa khác, từ giữa năm 2008 đến nay vợ chồng tui đã xuất chuồng hơn 100 con dê thương phẩm rồi. Nói chú mừng, tới chừ thu hồi vốn xong, vợ chồng tui lãi ròng gần 170 triệu đồng đấy”.
Theo anh Chín, bình quân một con dê thịt trưởng thành cho trọng lượng khoảng 40 ký hơi, với giá bán ngay tại chuồng 1 ký hơi là 50-52 nghìn đồng thì tổng giá trị thu về không dưới 2 triệu đồng. Trong khi đó, dê chủ yếu ăn cỏ và các loại lá cây có vị thuốc ở trên rừng nên chi phí đầu tư cho nó gần như không tốn, chỉ mất công theo giữ và chăm sóc mà thôi.
Nhìn bầy dê tơ no tròn bụng đang đùa giỡn nơi góc núi, anh Chín Nông Sơn cười sảng khoái: “Giá dê thương phẩm đang nhích lên từng ngày. Từ nay đến giữa tháng chạp chắc chắn mỗi ký hơi sẽ ở mức 60 nghìn đồng. Cận tết Tân Mão này, chỉ cần bán 30 con thôi là vợ chồng tui đã ẵm về hơn 70 triệu đồng. Chừ nhà cửa đã đàng hoàng, tiện nghi cũng sắm hết rồi, chỉ lo tích cóp để nuôi mấy đứa con ăn học cho thành tài, chú ạ”.
Dịch bệnh trên đàn heo cứ xảy ra liên miên khiến cô Tám Trà My đâm chán. Đầu năm 2008, bán rừng keo lai được 40 triệu đồng cô Tám liền bắt xe vào Khánh Hòa mua 20 con dê Bách Thảo (90% là cái) về thả nuôi. Khác với anh Chín Nông Sơn, cô Tám Trà My không nuôi thịt mà mục đích chính là tạo nguồn con giống chất lượng cao để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ngoài nguồn cỏ tự nhiên, cô Tám Trà My còn trồng hơn 2 sào bắp lai để làm thức ăn cho dê. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, chỉ sau 8 tháng về với đất Quảng Nam, bầy dê cái 18 con của cô Tám rủ nhau mang thai. Giữa tháng 2/2009, tất cả đồng loạt đẻ, cô Tám đón tổng cộng 40 chú dê con chào đời. Khí hậu thích hợp, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại dịch bệnh nguy hiểm không gây hại, cuối hè vừa rồi, khi trọng lượng mỗi con dê giống ấy đạt hơn 30 kg thì cô Tám Trà My đồng loạt xuất chuồng.
Cô Tám không giấu được niềm vui: “Nhà báo biết không, với giá bán bình quân mỗi ký dê hơi giống là 70 nghìn đồng thì tổng giá trị thu về từ bầy dê 40 con đó đã xấp xỉ 90 triệu đồng rồi. Có tiền, vợ chồng tui trích ra hai phần ba sửa lại căn nhà để kịp đón tết, số còn lại sẽ dành dụm cho lúc trái gió trở trời”. Cách đây mấy hôm, đàn dê cái của cô Tám Trà My lại tiếp tục đẻ, con nào con nấy cũng mập mạp và rất mướt lông, hy vọng rồi đây vợ chồng người phụ nữ một thời cơ cực này sẽ hốt thêm bộn tiền…
Ngồi trò chuyện với tôi, chú Hai Nông Nghiệp bảo rằng, nhờ giá cả quá hấp dẫn, lại rất dễ nuôi nên thời gian gần đây rất nhiều hộ dân ở những khu vực thuộc miền núi của Quảng Nam đã chọn con dê làm hướng phát triển kinh tế chủ lực. Và, có thể khẳng định, chính lối mở này đã giúp không ít gia đình trả lại… sổ nghèo.

Wednesday, December 1, 2010

Kỹ thuật trồng lúa cạn cho năng xuất cao

* Chọn giống: Nên chọn các giống lúa mới lai tạo có năng suất cao, chịu hạn tốt như các giống LC90-5; LC90-4; LC10-4; C22... 

* Thời vụ gieo: Từ 20/5 đến 20/6 cần gieo đúng thời vụ để lúa sinh trưởng phát triển tốt.
* Làm đất: Ở miền núi canh tác trên đồi có độ dốc lớn cho nên bà con cần ngăn chia lô ra nhiều khoanh nhỏ hẹp chiều ngang và chạy dài theo đường đồng mức, đắp bờ nhỏ cao 20-30 cm rãnh 30-40 cm theo đường vành nón.
- Cày xới và cuốc đất vài lần trước khi vào thời vụ gieo hạt làm cho đất tơi xốp, dọn sạch cỏ dại nhất là cỏ tranh, cỏ ấu, cỏ vừng và tàn dư thực vật khác.
- Xới xáo 2 - 3 lần, rạch hàng sâu theo đường đồng mức, khoảng cách gieo hàng cách hàng 20 cm, hốc cách hốc 8 - 10 cm, mỗi hốc gieo 5-8 hạt, đảm bảo mật độ 200 cây/m2.
* Gieo hạt : Với lúa cạn gieo khi độ ẩm đất đã bảo đảm cho hạt lúa nẩy mầm (18-32 % ). Không nên để hạt giống nằm lâu trong đất gây thối hoặc chim, chuột phá hại.
- Khi gieo hạt bà con nông dân nên gieo các hàng chạy theo đường đồng mức, dễ cho việc làm cỏ và chăm sóc. Không nên gieo vãi trên mặt ruộng vì như vậy thường tốn giống hơn và gây khó khăn cho việc chăm sóc làm cỏ sau này, sau khi gieo phải phủ một lớp đất mỏng dày 0,5-1 cm. 
* Chăm sóc, bón phân:
- Sau khi gieo 20-25 ngày lúa mọc cần tiến hành dặm tỉa, nhổ cỏ bằng tay hoặc xới bằng cuốc vào những ngày nắng.
- Phân bón cho lúa cạn rất cần vì đất trồng lúa cạn thường nghèo dinh dưỡng.
- Lượng phân bón cho 1 sào lúa cạn:
Phân chuồng hoai mục 300-500kg
Đạm 6-7 kg
Lân 10-15 kg
Kali 6-8 kg
* Cách bón:
- Bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân + 2 kg đạm + 2 kg kali trước khi gieo hạt.
- Bón thúc đẻ nhánh 2kg đạm + 2 kg kali vào giai đoạn lúa 4 lá.
- Khi lúa bắt đầu làm đòng bón nốt số phân còn lại.
- Khi bón phân thúc cho lúa có thể kết hợp làm cỏ, vun xới.
* Sâu bệnh: Lúa cạn thường bị một số sâu, bệnh phá hại. Sâu đục thân, bọ xít dài, rầy xanh đuôi đen, sâu năn, sâu cuốn lá nhỏ,… Bệnh vàng sinh lý, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn. Bà con cần kiểm tra thường xuyên nương ruộng để kịp thời xử lý.