Sunday, May 16, 2010

Đa dạng hoá cây lâu năm trong vườn cà phê

Huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) đã nhân rộng hàng ngàn ha các mô hình đa dạng hoá các loại cây trồng lâu năm trong vườn cà phê vối mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng thuần cà phê trên cùng một đơn vị diện tích. Đây cũng là địa phương có phong trào thực hiện đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê khá nhất tỉnh.

Trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê. Ảnh minh họa
Cư M’Gar là một trong những vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, với diện tích trên 30.000 ha. Sau khi tham quan, học tập, bà con nông dân các dân tộc đã mạnh dạn đầu tư vốn mua các giống cây ăn quả chất lượng cao như: bơ sáp ghép, sầu riêng cơm vàng hạt lép, cam sành, quít đường hoặc trồng xen cây hồ tiêu trong vườn cà phê.
Theo UBND huyện Cư M’Gar cho biết, cứ mỗi ha cà phê vối đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch, trồng xen từ 160 đến 280 cây tiêu leo trụ sống hay 370 cây tiêu leo trụ chết thì mỗi năm ngoài năng suất cà phê ổn định (2,8 đến 3 tấn cà phê nhân) còn thu thêm từ 1 tấn tiêu đen trở lên.
Trồng xen cây sầu riêng với mật độ 90 cây/ ha, sau khi cây sầu riêng đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, mỗi năm các hộ gia đình cũng thu nhập thêm từ 20 triệu đồng trở lên. Hiện nay, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc trồng cà phê ở các xã Quảng Hiệp, Ea H’đing, thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk đã có hàng ngàn ha cà phê được trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm chất lượng cao mỗi năm cho thu nhập thêm hàng chục triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 2A, xã Ea M’Nang trồng xen 80 cây bơ sáp trong 1 ha cà phê kinh doanh. Sau 3 năm, mỗi cây bơ sáp cho thu hoạch từ 800.000 đến 1 triệu đồng, trong khi đó, năng suất cà phê vẫn ổn định 3 tấn cà phê nhân/ha. Niên vụ cà phê 2009-2010, gia đình anh có tổng thu nhập gần 144 triệu đồng, trong đó, bơ sáp cho thu hoạch được gần 75 triệu đồng. Anh Hồ Văn Sỹ, thị trấn Ea Pốk cũng trồng xen 160 cây tiêu leo lên cây lồng mức trong vườn cà phê, bước đầu cũng cho thu hoạch được gần 50 triệu đồng, chưa tính 3 tấn cà phê nhân…
Phần lớn các loại cây ăn quả lâu năm trồng trong vườn cà phê tuy ít được đầu tư chăm sóc nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các mô hình trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm, tiêu trong vườn cà phê đều giảm được số lần cũng như lượng nước tưới cho cây cà phê. Cụ thể, mùa khô năm nay, nắng nóng kéo dài, khốc liệt, nhưng các mô hình đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê chỉ tưới nước từ 3-4 đợt, trong khi đó, diện tích cà phê trồng thuần phải tưới 5 đến 6 đợt.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- lâm nghiệp Tây Nguyên), việc đa dạng hoá cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích cà phê ở huyện Cư M’Gar cũng có nghĩa là đa dạng sản phẩm , giúp cho bà con nông dân tránh được thua lỗ trong trường hợp độc canh một loại cây trồng, nhất là trong thời điểm như hiện nay khi giá cà phê nhân đang rơi xuống thấp.
Mặt khác, đã dạng hoá cây lâu năm trong vườn cà phê còn có tác dụng tốt đến việc điều hoà điều kiện tiểu khí hậu vườn cây, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cần thiết góp phần vào việc gìn giữ cân bằng môi trường sinh thái, giúp cây phát triển thuận lợi, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân các dân tộc.

Qui trình lên men hạt ca cao

Trên thị trường tiêu thụ ca cao hiện nay, người trồng ca cao có thể bán các sản phẩm ca cao dưới dạng trái ca cao tươi hoặc hạt ca cao khô đã lên men. Tùy thuộc vào giá cả của thị trường, kỹ năng sơ chế, điều kiện cơ sở vật chất,… người trồng ca cao tự lựa chọn các sản phẩm ca cao để bán sao cho có hiệu quả nhất. Trong nội dung của bài viết này, xin giới thiệu cùng bà con qui trình lên men hạt ca cao. Với hy vọng sẽ cùng chung sức với bà con có được những hạt ca cao lên men chất lượng cao và làm nên những mùa bội thu.

1- THU HOẠCH TRÁI.

Thu hoạch trái 02 tuần/lần hoặc ít hơn. Chọn trái chín (trái vừa chuyển sang màu vàng hoặc màu đỏ cam) và thuần thục (75%) để thu hoạch. Tránh để trái quá chín vì hạt có thể nảy mầm. Không hái những trái còn xanh.

2- PHÂN LOẠI TRÁI:

Phân theo giống và độ chín. Loại bỏ trái bị sâu bệnh.

3- TRỮ TRÁI:

Trái được trữ 09 ngày trong rổ/thúng hoặc khung bằng tre hay gỗ, để nơi khô ráo, tránh nắng, mưa và nguồn nước. Nên có tấm phủ để che mưa và nắng.

4- TÁCH HẠT:

Trái tươi sau trữ phải được tách ra để lấy hạt. Sử dụng dao cắt bằng thép cùn để tách trái bằng cách tách từng phần vỏ ra. Hoặc dùng dao thép cùn bổ nhẹ và đều xung quanh trái ngay tại đoạn giữa của thân trái, xong dùng tay bẻ đôi trái. Sau đó, tách hạt ra khỏi lõi. Loại bỏ những hạt bị cắt hoặc bị tổn thương do cắt trái ca cao nếu không sẽ bị hỏng khi lên men và sấy. Không cắt trái hoặc đập vỡ trái.

5- Ủ HẠT (LÊN MEN):

a- Hình thức ủ:
Có nhiều cách ủ: ủ đống, ủ thúng nan và ủ thùng. Nhưng tốt nhất là ủ thúng nan và ủ thùng.
b- Dụng cụ ủ:
Khối lượng hạt ca cao sẽ quyết định kích cỡ và loại bao bì dùng để ủ lên men.
* Từ 1 – 20 kg, sử dụng thúng nan, lá chuối và bao đay.
* Từ 20 – 1.000 kg, sử dụng các thùng lên men bằng gỗ có kích thước 1,0 x 0,8 x 0,5 m, có đục các lỗ thoát nước ở dưới đáy, xung quanh thùng và bao đay.
c- Cách ủ:
* Đối với thúng nan: Lót một lớp lá chuối quanh thúng nan, nếu lá chuối dày cần thiết phải xoi lỗ để nước dễ thoát khỏi thúng; đổ đầy hạt; đậy kín thúng lại bằng lá chuối hoặc bao đay. Ban ngày nên đặt thúng dưới ánh nắng mặt trời và tránh mưa.
* Đối với thùng: Đổ đầy hạt ca cao vào thùng và phủ kín bằng bao đay. Chiều sâu của khối hạt nên tương ứng với chiều rộng của thùng dùng để lên men. Chiều sâu của khối hạt ca cao trong thùng không được vượt quá 40 cm. Tránh dàn trải hạt ca cao.

6- ĐẢO TRỘN KHỐI HẠT:

Hạt phải được đảo trộn định kỳ sau 48 giờ (02 ngày) và sau 96 giờ (04 ngày) sau khi ủ với bất kỳ ủ thúng hay ủ thùng. Quá trình lên men tốt nhất là khi nhiệt độ của khối hạt đạt từ mức 450 – 480C. Sau khi đảo trộn lần đầu tiên, nhiệt độ thường tăng cao. Có thể, sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ của khối hạt hàng ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối. Trong khi đảo cần đảm bảo không khí thâm nhập vào hỗn hợp lên men.

7- THỜI GIAN Ủ:

Nên kéo dài 06 ngày. Cách kiểm kết quả ủ: thông thường, sau 06 ngày có thể quan sát thấy lớp vỏ lụa chuyển màu nâu và nhiệt độ ở mức 450 – 480C bắt đầu giảm dần. Đối với những mẻ lên men nhỏ (thúng nan) thì nên kiểm tra mùi lên men vào ngày thứ 05. Nếu vẫn còn mùi chua thì có thể để lên men thêm 01 ngày nữa. Mặt khác, nếu không còn mùi chua và vỏ hạt đã rất sẫm thì nên đem phơi ngay.
Hạt sau khi lên men không cần phải rửa vì sẽ làm vỏ mỏng, dòn dễ vỡ và tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

8- LÀM KHÔ HẠT (PHƠI HẠT):

Có 02 cách làm khô hạt: phơi và sấy. Nhưng phơi hạt là cách làm tốt nhất và phù hợp với điều kiện nông hộ.
Hạt sau khi lên men phải được phơi khô ngay để độ ẩm của hạt từ 60% xuống đạt 7,5%. Nếu ẩm độ của hạt lớn hơn 8% nấm mốc dễ phát triển, ngược lại nếu hạt quá khô, ẩm độ nhỏ hơn 7%, hạt sẽ dòn và dễ vỡ.
Cách phơi: Trải hạt đều trên sàn, nong, nia; đặt ở nơi có ánh sánh tốt hoặc đặt trên dàn phơi cao cách mặt đất để tránh lẫn đất và thông thoáng. Nên phơi hạt từ 1– 2 lớp để đảo trộn hạt thường xuyên và đảm bảo khô đồng đều. Thời gian phơi từ 05 – 10 ngày. Không đốt gỗ hoặc vỏ dừa để sất vì hạt sẽ nhiễm mùi.

9- TỒN TRỮ HẠT:

Hạt khô phải được trữ ở nơi thông thoáng, khô ráo, cách mặt đất và an toàn.

10- ĐỊA ĐIỂM LÊN MEN:

Địa điểm lên men luôn luôn phải được sạch sẽ, tránh mưa và nắng.